Xây dựng thương hiệu trái cây Bình Phước - Bài cuối
>> Xây dựng thương hiệu trái cây Bình Phước - Bài 1
BAO GIỜ ĐẶC SẢN CÓ TÊN?
BP - “Chúng ta có lợi thế lý tưởng về thổ nhưỡng, khí hậu tạo nên chất lượng trái cây thơm ngon có tiếng nhưng tại sao vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trái cây mang tên Bình Phước. Phần lớn trái cây của tỉnh đang được thương lái tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang thu mua, sau đó đội lốt trái cây miền Tây để xuất khẩu. Đây là thiệt thòi rất lớn với người trồng cây ăn trái trong tỉnh” - bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trăn trở.
Trái cây sạch vẫn chưa được trả giá xứng đáng
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Lãnh đạo tỉnh cũng “trải thảm đỏ” kêu gọi các nhà đầu tư về Bình Phước xây dựng nhà máy chế biến trái cây sau thu hoạch, tuy nhiên các nhà đầu tư đang trong quá trình tìm hiểu, cân nhắc. Tỉnh cũng thiếu những doanh nghiệp đầu mối thu mua nông sản và các cơ sở sản xuất lớn; tính ổn định về chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Hiện nhiều loại trái cây của Bình Phước đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, như: bưởi, xoài, sầu riêng, chuối, bơ... nhưng chủ yếu vẫn bán cho thương lái và trộn lẫn với trái cây ở nơi khác. Điển hình như hộ ông Lầu Sỹ Nịp ở thôn 5, xã Long Bình (Phú Riềng) đang trồng 10 ha bưởi da xanh, 1 tháng thu từ 20-40 tấn trái, nhưng phải mang về các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang tiêu thụ. Mặc dù sản phẩm trái cây của gia đình ông đã được công nhận VietGAP nhưng vẫn phải “mượn” tên của đơn vị trung gian. Đó cũng là nguyên nhân khiến bưởi da xanh Bình Phước nổi tiếng về chất lượng nhưng đến nay vẫn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện.
Các sản phẩm trái cây của tỉnh thơm ngon, đa dạng, phong phú về chủng loại, tạo được chỗ đứng trong lòng thực khách
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hưng Phát ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú cho rằng: “Làm ra trái cây sạch rất vất vả, tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, thế nhưng khi bán thì sản phẩm của chúng tôi đang bị đánh đồng với những loại trái cây kém chất khác ngoài thị trường. Có người còn hỏi trái cây của chị có nhúng thuốc không, khiến tôi rất tự ái bởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, nhưng khi bán, giá cũng bằng các sản phẩm thông thường và người tiêu dùng không phân biệt được hàng thường và hàng chất lượng cao”.
Nông sản sạch vẫn chưa được thị trường nhận diện và được trả giá xứng đáng đang là “nút thắt” khiến sản xuất vẫn manh mún, thiếu sự liên kết tạo thành cánh đồng mẫu lớn. Chứng nhận GAP hay hữu cơ là tấm giấy thông hành để doanh nghiệp tham gia vào phân khúc thị trường cao cấp, nhưng điều kiện đủ để giữ chân khách hàng phải bằng chữ tín về chất lượng.
Hướng đến quy hoạch vùng nguyên liệu 2.000 ha
Toàn tỉnh hiện có 10.171 ha cây ăn trái, chiếm 2,39% diện tích cây trồng của tỉnh. Trong đó, cam, quýt gần 2.000 ha, nhãn hơn 1.300 ha, sầu riêng hơn 1.600 ha, bưởi hơn 1.000 ha... “Chúng ta có đầy đủ tiềm năng nhưng sản xuất manh mún chưa tạo được vùng nguyên liệu khoảng 2.000 ha trở lên. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch phát triển 57 HTX, trong đó 16 HTX nông nghiệp công nghệ cao dành cho cây ăn trái. Các vùng nguyên liệu này phải đạt đủ diện tích và sản lượng cung ứng cho các hợp đồng mua bán lớn. Chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo số lượng là những tiêu chí cần thiết để xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Năm, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và là hộ trồng cây ăn trái có tiếng ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng (Phú Riềng) chia sẻ: “Các đối tác Trung Quốc đã đến gia đình tôi đặt vấn đề thu mua trái cây số lượng lớn. Tuy nhiên, họ yêu cầu trái cây nhập khẩu vào nước họ phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Vì vậy, tôi đang sản xuất theo hướng an toàn để về lâu dài sử dụng mã truy xuất nguồn gốc, tránh bị làm giả, làm nhái các sản phẩm của mình”.
Để nông dân không đơn độc trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, ông Năm cho rằng: Các ngành chức năng cần đẩy mạnh khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thị trường trước khi trồng, hạn chế chạy theo phong trào. Tỉnh cũng cần có quy hoạch vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; có chính sách thông thoáng về đất đai, vốn vay ưu đãi; quảng bá xây dựng thương hiệu; đầu tư hệ thống thủy lợi, kéo điện hạ thế tại các HTX giúp nhà vườn đảm bảo nguồn điện chủ động bơm tưới. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật; định hướng nhà vườn liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội nghị kết nối cung - cầu về tiêu thụ nông sản trong tỉnh vừa diễn ra, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Để xúc tiến thương mại thuận lợi, doanh nghiệp cần tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá thương hiệu, từ đó có điều kiện phát triển thị trường. Các địa phương cần lựa chọn ngành hàng thế mạnh của mình, sau đó đề xuất Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ. Phía doanh nghiệp nên đổi mới tiếp cận cũng như tìm kiếm thị trường phù hợp.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh đang là những mảnh ghép riêng lẻ, mờ nhạt. Xây dựng thương hiệu trái cây không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một doanh nghiệp hay cá nhân đơn lẻ, mà các cấp, ngành, địa phương cần định hướng, tính toán lại quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng nào phù hợp với loại cây ăn trái gì. Ngoài 3 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh, nhãn hiệu chứng nhận cao su Bình Phước và chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng trái cây Bình Phước sớm xây dựng được thương hiệu riêng bằng uy tín và chất lượng trong thời gian gần.