Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực cho Thành phố sáng tạo

Sáng ngày 21/11 tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Anh tổ chức Hội thảo quốc tế 'Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực'.

Tại Hội thảo những thành phố sáng tạo của Vương quốc Anh như: Belfast, Londonderry, Dundee cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo dựng và phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trên chặng đường 4 năm phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo sau khi được UNESCO công nhận, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm xung quanh chủ đề thiết kế sáng tạo. Hà Nội cũng là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu chia sẻ tại phiên thảo luận.

Các đại biểu chia sẻ tại phiên thảo luận.

Cùng với đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản riêng về lĩnh vực văn hóa sáng tạo, với việc thành phố sẽ có quy hoạch chung về thiết kế đô thị, phát triển nguồn lực cho xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo.

"Việc phát triển thành phố sáng tạo nằm trong lộ trình, kế hoạch phát triển bài bản của thành phố Hà Nội", Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay.

Ông Đỗ Đình Hồng cũng cho biết, Thành phố cũng có chính sách về phát triển nguồn lực cho xây dựng thành phố sáng tạo, bao gồm chính sách đối với nghệ nhân, việc truyền dạy cho thế hệ sau... Ngoài những hội thảo, tọa đàm quốc tế và trong nước, Hà Nội còn tổ chức các Lễ hội Thiết kế sáng tạo từ năm 2021 với quy mô và chất lượng ngày càng được nâng lên. Từ lễ hội "Khơi nguồn cho sáng tạo" tổ chức năm 2021 đến "Dòng chảy" (chủ đề của lễ hội năm nay), có thể thấy được sự kế thừa, tiếp nối, đổi mới không ngừng của sáng tạo nghệ thuật.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Dù vậy để xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo quả không dễ dàng. Do đó, hội thảo lần này được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu để Hà Nội đi tắt đón đầu trong xây dựng thành phố, khích lệ sự sáng tạo trong cộng đồng, tạo ra các sản phẩm văn hóa huy động nguồn lực sáng tạo, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh thẳng thắn chỉ ra, Hà Nội là thành phố có sức thu hút, hội tụ rất lớn so với các thành phố khác ở Việt Nam, là thành phố với 10 triệu dân, cơ hội có rất nhiều. Nhưng đến bây giờ, chúng ta chưa tận dụng và phát huy hết cơ hội đó.

Là người sáng lập không gian sáng tạo Zone 9, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh còn cho biết, Hà Nội có những không gian trống, bỏ hoang như các nhà máy công nghiệp, hoàn toàn có thể đưa vào khai thác nhờ ý tưởng sáng tạo của đội ngũ thiết kế. Nhưng hiện nay, quỹ đất dành cho công nghiệp sáng tạo chưa có. Điều này đến từ nhận thức về vai trò của công nghiệp sáng tạo chưa được coi trọng và đặt đúng vị trí. Do vậy, khó khăn trong phát triển các không gian sáng tạo đến từ chính quỹ đất dành cho công việc này.

Ông Chris Maccrey - Ban Phát triển văn hóa và du lịch Hội đồng thành phố Belfast (Thành phố sáng tạo âm nhạc được UNESCO công nhận vào năm 2017) cũng đồng tình với những khó khăn mà kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh vừa nêu trong xây dựng Thành phố sáng tạo. Bởi dù Belfast đã thành công trong xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo nhưng thành phố này cũng gặp phải những thách thức như Hà Nội đang đối mặt. "Thành phố có nhiều không gian đang bị bỏ không, nhưng làm thế nào để tận dụng những không gian đó thì chúng ta phải có quy hoạch và sáng kiến", đại diện của Belfast nói.

Chia sẻ về thực trạng tại Scotland, bà Poppy Jarratt - Điều phối viên Dự án sáng tạo thiết kế Dundee chia sẻ: "Dundee chưa đủ không gian sáng tạo cho nghệ sĩ. Nhiều khi nghệ sĩ phải làm việc trong không gian như dưới tầng hầm".

Để có được giải pháp dài hạn, bên cạnh giải pháp về cơ chế, chính sách, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đưa ra sáng kiến: Khi có các dự án về bất động sản, chúng ta nên dành quỹ đất hình thành không gian phát triển công nghiệp sáng tạo. Khi có sự kiện diễn ra sẽ có nhiều người đến, từ đó đưa đến lợi ích kép, vừa tăng giá trị của bất động sản, vừa tạo ra một cộng đồng sáng tạo.

Trong khi đó, ông Chris Maccrey đề cao sự tham gia của cộng đồng, coi người dân là chủ thể chính của sáng tạo. Còn ông John Peto (đại diện Bắc Ireland) đề cao tới nguồn lực tài chính trong xây dựng Thành phố sáng tạo. Bởi theo ông Peto, một trong những thách thức là làm sao phát huy được sự sáng tạo. Mặc dù, ý tưởng sáng tạo ở khắp nơi nhưng làm thế nào để tập hợp, phát huy nó thì chúng ta cần nhiều không gian khác nhau để sáng tạo, và cần tạo ra cơ hội cho các sân chơi sáng tạo khác nhau, trang thiết bị để phát huy sáng tạo lên tầm cao hơn. Chúng ta cũng cần đào tạo, tập hợp và hỗ trợ đội ngũ thiết kế sáng tạo. Và để làm được tất cả những công việc ấy thì cần nguồn lực tài chính đủ mạnh. Cơ quan quản lý có vai trò quan trọng, chính quyền địa phương cần cởi mở hơn, chấp nhận rủi ro.

Ở góc nhìn khác, nhà thiết kế Vũ Thảo lại đề cao niềm tin vào sự sáng tạo. Nhưng niềm tin này không thể một sớm một chiều có được, nó phải được nuôi dưỡng trong thời gian dài, với sự phối hợp giữa quản lý nhà nước, địa phương và người dân.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-thuong-hieu-va-phat-trien-nguon-luc-cho-thanh-pho-sang-tao-162972.html