Xây dựng thương hiệu xoài vùng ven biển
Cây xoài tứ quý đã 'bén duyên' ở vùng ven biển huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) gần 10 năm nay nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp. Chính quyền địa phương và người dân nơi đây đang xây dựng thương hiệu, từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để giúp thương hiệu xoài Thạnh Phú vươn xa…
Khi đến các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi vùng ven biển nước mặn, khí hậu khắc nghiệt lại có nhiều vườn xoài xanh ngắt, trĩu quả. Cán bộ nông nghiệp - môi trường UBND xã Thạnh Phong Nguyễn Thị Thu Ngân lý giải: “Tuy là vùng ven biển nước mặn nhưng ở những giồng cát rất đặc biệt là có nước ngọt. Vào mùa mưa, nước mưa được những lớp cát giữ lại ở tầng nông cho nên người dân trồng cây ăn quả, hoa màu đều rất tốt. Trong đó, cây xoài tứ quý cho quả ngon, tỷ lệ bột, độ ngọt cao, trở thành đặc sản của địa phương”.
Cách đây gần 10 năm, nhiều nông dân trồng sắn, dưa hấu, hoa màu... bắt đầu đem cây xoài tứ quý về trồng thử nghiệm. Sau vài năm, cây xoài ra quả nhiều, ngon, hiệu quả cao, kinh tế cao, nhiều nông dân đã mạnh dạn nhân rộng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú Võ Văn Hiện cho biết: “Hiện nông dân đã mở rộng diện tích xoài lên khoảng 400 ha. Ðịa phương đã xây dựng Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong để trồng xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng vừa cấp nhãn hiệu “xoài tứ quý Thạnh Phú” cho nên sắp tới là cơ hội để quả xoài được xuất ngoại, tăng thu nhập cho người nông dân vùng ven biển”.
Xã Thạnh Phong có diện tích xoài lớn nhất huyện với gần 300 ha. Bà Lê Thị Tuyết Nga ở ấp Ðại Thôn, xã Thạnh Phong trồng 6.000 m2 xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trong đó, diện tích đã cho quả khoảng 4.000 m2. Bà Nga cho biết: “Nhờ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, gia đình tôi đầu tư hệ thống nước tưới, kỹ thuật canh tác, bao quả để cho sản phẩm chất lượng. Trung bình từ 15 đến 20 ngày sẽ cho thu hoạch một đợt với sản lượng khoảng 200 đến 300 kg. Toàn bộ sản lượng đều bán lại cho HTX, doanh nghiệp với giá từ 12 nghìn đến 14 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm thu lợi nhuận vài chục triệu đồng từ vườn xoài, cao hơn nhiều so với trồng hoa màu như trước đây”. Gia đình ông Mai Thanh Triển, ở ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong canh tác 1 ha xoài tứ quý. Năm 2017, ông là một trong 10 hộ dân tại địa phương được dự án AMD Bến Tre (Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre) hỗ trợ để đầu tư mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng trên cây xoài. Gia đình ông Triển đầu tư 13 triệu đồng cộng nguồn vốn của dự án hỗ trợ 11 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt gồm: tháp cao, bồn chứa, đường ống quanh vườn xoài rộng 2.000 m2. Cách làm này mang lại hiệu quả rất cao do tiết kiệm được nguồn nước, phân bón, công lao động. Thấy hiệu quả, ông Triển tiếp tục đầu tư hệ thống tưới cho toàn bộ vườn xoài nhằm tăng năng suất và chất lượng, kiểm soát dịch hại và thời điểm thu hoạch.
Tại xã Thạnh Hải mấy năm nay nông dân cũng bắt đầu chuyển sang trồng xoài vì hiệu quả kinh tế khá cao. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Hoa cho biết, gần đây tại những giồng cát ven biển người dân đã chuyển đổi sang trồng xoài tứ quý với diện tích 60 ha, trong đó khoảng 40 ha đang cho quả. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì cây xoài rất thích hợp và đang được địa phương khuyến khích mở rộng diện tích trồng.
Năm 2016, HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong được thành lập với 149 xã viên, diện tích trồng xoài tứ quý 30 ha, trong đó 16 ha được xã viên trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện tại, xã viên bán sản phẩm xoài cho HTX và ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ có giá cao hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/kg. Giám đốc HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong Nguyễn Văn Trường cho biết: “Vừa qua dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ HTX hơn 1,3 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, máy sấy, kho lạnh... và sản xuất thử nghiệm sản phẩm xoài sấy. HTX đang hoàn thiện quy trình để được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Sắp tới, sẽ chào hàng sản phẩm xoài sấy tại Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... nhằm ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Khi đó, sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người trồng xoài”. Ngoài ra, HTX đang nghiên cứu đa dạng các sản phẩm sản xuất từ xoài như rượu xoài, mứt xoài, bánh tráng... Sản phẩm xoài nguyên quả của địa phương khi bán cho các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước cũng được dán tem hàng hóa, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ngành nông nghiệp địa phương đang tổ chức nhiều cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm hướng nông dân sản xuất theo quy trình sạch để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp họ làm giàu từ cây đặc sản tại địa phương.