Xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng
Chiều 11/9, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội đã chủ trì Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí trong Thường trực UBQPAN; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương...
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, thực hiện Nghị quyết số 89 ngày 2/6/2023 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 428 ngày 3/9/2023 về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, phát huy dân chủ, cùng đồng hành với UBQPAN và Ban soạn thảo, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới mong nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu, đại diện các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, qua đó, giúp UBQPAN hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Tờ trình do Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng trình bày, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân...
Bố cục dự thảo luật gồm 7 chương, 73 điều, bảo đảm phù hợp, thống nhất với Hiến pháp 2013, Luật Quốc phòng 2018, Luật CAND 2018 và các văn bản pháp luật liên quan.
Qua thẩm tra, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực UBQPAN cho biết, Thường trực UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như Tờ trình của Chính phủ; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (năm 2008), 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (năm 2003) và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.
Thường trực UBQPAN đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá, phân tích đầy đủ hơn các căn cứ về chính trị, pháp lý, thực tiễn, đặt công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia và cả nền kinh tế, trước yêu cầu xây dựng và tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước để có sự phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, làm rõ thêm về sự cần thiết ban hành luật...
Dưới sự điều hành của Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; về quy hoạch xây đựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; về bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; về nguyên tắc tổ chức, hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; về chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp, mô hình động viên viên công nghiệp, mở rộng đối tượng...