Xây dựng tiêu chuẩn gắn với chuỗi cung ứng

Sản xuất nông nghiệp còn tình trạng 'mạnh ai nấy làm', manh mún, thiếu quy hoạch đồng bộ, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa phát triển được các chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn đồng bộ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu... Giải quyết các vấn đề trên để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản bền vững đang là thách thức lớn, nhất là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN)...

Những “khoảng trống” trong liên kết sản xuất và tiêu thụ

Ngay sau khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, xác lập trạng thái bình thường mới “hậu dịch Covid-19”, ở các địa phương vùng KTTĐPN lại tái diễn tình trạng nhiều loại sản phẩm nông nghiệp bị rớt giá mạnh, hàng hóa ứ đọng không tiêu thụ được. Điển hình như quả thanh long, giá thu mua tại vườn chỉ còn 3.000 đồng đến 12.000 đồng/kg tùy loại (thời điểm đầu năm 2020 ở mức 10.000-15.000 đồng/kg). Tỉnh Đồng Nai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 277.000ha, trong đó có gần 80% diện tích đất có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Địa phương này xây dựng được 132 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với sự tham gia của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến; 52 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác. Tuy nhiên, do đầu ra sản phẩm không ổn định, bấp bênh theo mùa vụ nên việc xây dựng chuỗi cung ứng liên kết trong vùng và xuất khẩu sản phẩm vẫn trong tình trạng "ăn đong", thiếu tính chuyên nghiệp.

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, các phương thức kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản ở tỉnh này còn nhiều bất cập, như: Chưa quản lý tốt vùng trồng, chưa nắm chắc sản lượng và số lượng cần tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và thị trường các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Nguyên nhân chủ yếu do người nông dân thường trồng nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Công tác hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất-phân phối còn nhiều khó khăn, sản phẩm chế biến chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì nhãn mác, giấy chứng nhận và chất lượng nên chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối...

 Thu hoạch chôm chôm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Thu hoạch chôm chôm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Theo khảo sát của Ban chủ nhiệm Đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng KTTĐPN", khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống phân phối chỉ đáp ứng tiêu thụ được khoảng 20% sản lượng nông nghiệp; sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP không được thu mua hết, bị tồn đọng nhiều, phải bán ở chợ truyền thống hoặc bán nhỏ lẻ trên thị trường, dẫn đến không phân biệt được sản phẩm và giá.

Ông Trần Tiến Khai, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, lâu nay chúng ta sản xuất hàng hóa để xuất khẩu thì phải đáp ứng các tiêu chí mà nước nhập khẩu đưa ra. Còn thị trường nội địa thuộc vùng KTTĐPN, hơn 24 triệu người với sức mua lớn thì lại không xây dựng được tiêu chuẩn cho sản phẩm. Hiện nay, sản xuất của các hợp tác xã, hộ gia đình còn ở quy mô nhỏ, thường chạy theo lợi ích ngắn hạn, có khó khăn chung về áp dụng quy chuẩn và tiêu chuẩn do hạn chế về nguồn vốn và thị trường. Vì vậy, sản phẩm của họ làm ra không áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, không đủ điều kiện áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Xây dựng tiêu chuẩn, chuỗi cung ứng đồng bộ

Vùng KTTĐPN hiện nay có những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhất cả nước, được đầu tư khoa học công nghệ cao. Bên cạnh mục tiêu xuất khẩu thì giới chuyên gia cho rằng, cần thiết sớm xây dựng tiêu chuẩn cho tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề từ phía “cầu” thông qua việc xác lập các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật cho nông sản trước khi đưa vào lưu thông, phân phối. Muốn làm được điều này cần có sự tham gia thúc đẩy của chính quyền địa phương, ngành quản lý tập trung các chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, đơn vị sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất. Mặt khác, cần sớm tổ chức các sàn giao dịch hàng hóa để giúp cho việc giao lưu, trao đổi, mua bán được công khai, minh bạch và hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin. Các chủ thể trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ, phân phối sẽ cùng tham gia trên sàn giao dịch. Hàng hóa trên sàn thương mại được cơ quan quản lý kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được các chuyên gia nhìn nhận sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực, bền vững, như: Giá trị gia tăng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh thu lợi ổn định và có thể đầu tư tái sản xuất, thương hiệu và lòng tin của người tiêu dùng đối với nông sản được nâng cao... Tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất-tiêu thụ nông sản thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh, thành vùng KTTĐPN" vừa qua, nhiều đại biểu có chung quan điểm đề xuất thúc đẩy liên kết xây dựng quy hoạch sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản ở cấp độ vùng KTTĐPN. Từ đó, sẽ hướng đến tổ chức quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và thương mại hàng hóa nông sản cho các địa phương; có các chính sách định hướng, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, áp dụng tiêu chuẩn, đầu tư sản xuất bền vững.

Theo bà Bùi Thị Thu, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần có chính sách, cơ chế riêng để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết, xây dựng nhà máy chế biến nông sản để hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại vùng KTTĐPN. Các tỉnh, thành phố phải định hướng xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh không trùng lặp, tránh nguồn cung thừa so với nhu cầu.

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả vùng và cả nước, nơi có thị trường lớn và ứng dụng công nghệ cao, hệ thống phân phối hiện đại, TP Hồ Chí Minh đang đầu tư nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy kết nối-tiêu thụ nông sản thực phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về sản lượng, quy mô nông sản, hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử cấp vùng để mở rộng kênh tiêu thụ... Từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, phát huy vai trò điều phối liên vùng, sẽ tăng tính liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, tạo nguồn cung bền vững cho tiêu thụ và chế biến. Để nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cần phát triển nhóm sản xuất vừa và nhỏ, trên cơ sở tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ với nhau để áp dụng các chính sách, quy định chung, tạo sự bền vững. Vùng KTTĐPN cần tạo ra cơ chế khuyến khích kết hợp bắt buộc, hình thành các liên kết tiến tới thay đổi hành vi sản xuất không liên kết. Khi sản xuất và tiêu thụ gắn với chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn sẽ tạo cơ sở vững chắc cho thị trường phát triển, kích thích sản xuất bền vững, tạo mặt bằng giá ổn định và sự đồng bộ giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Bài và ảnh: PHÚC MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-tieu-chuan-gan-voi-chuoi-cung-ung-622722