Xây dựng 'tổ ấm' cho phôi: Thêm hy vọng cho người hiếm muộn

Việc chuẩn bị nội mạc tử cung giống như xây dựng một chiếc 'tổ ấm' trước khi phôi được chuyển vào bên trong tử cung.

BS Hồ Ngọc Anh Vũ thực hiện thủ thuật chuyển phôi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

BS Hồ Ngọc Anh Vũ thực hiện thủ thuật chuyển phôi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Công trình khoa học “So sánh hiệu quả 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung được áp dụng phổ biến trên thế giới” của nhóm tác giả Việt Nam vừa được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới - The Lancet.

Nghiên cứu này hỗ trợ bác sĩ đưa ra lựa chọn phác đồ theo hướng cá thể hóa, giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Cơ hội đậu thai tăng cao

Hiện nay, vấn đề điều trị chuyển phôi trữ lạnh trở nên phổ biến hơn trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, với số chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh ngày càng tăng nhanh. Trong quy trình điều trị này, việc chuẩn bị nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng nhất nhằm đảm bảo đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung.

Việc chuẩn bị nội mạc tử cung giống như xây dựng một chiếc “tổ ấm” trước khi phôi được chuyển vào bên trong tử cung. Với một môi trường tốt, phôi có thể phát triển khỏe mạnh hơn, cơ hội đậu thai cũng tăng cao hơn.

Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có một thể trạng khác nhau, việc sử dụng một phác đồ duy nhất sẽ không thật sự phù hợp cho số đông. Dù phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung đã, đang và sẽ được áp dụng rất nhiều trên thế giới, nhưng bằng chứng khoa học về hiệu quả của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung hiện nay lại rất ít.

Công trình khoa học về điều trị hiếm muộn “So sánh hiệu quả 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung được áp dụng phổ biến trên thế giới” sẽ hỗ trợ các bác sĩ có thêm nhiều chứng cứ khoa học, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp cho từng bệnh nhân, nhằm tối ưu kết quả điều trị.

Đây là thành quả nghiên cứu do BS Hồ Ngọc Anh Vũ (34 tuổi) - Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức (TPHCM) và đồng nghiệp thực hiện. PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng khoa Y, Trường ĐH Y Dược TPHCM là người hướng dẫn.

BS Vũ cho biết, khi nghiên cứu mới triển khai được hai tháng, TPHCM đang ở đỉnh điểm của Covid-19. Việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác. Vì đó, những tiến hành nghiên cứu đã bị tạm dừng.

Các nghiên cứu viên phải tập trung tối đa vào việc đảm bảo an toàn cho hoạt động y tế của các hoạt động phòng chống dịch. Sự hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả từ các bác sĩ, nữ hộ sinh, nhân viên y tế, khoa xét nghiệm, nhà thuốc và trung tâm nghiên cứu HOPE - Bệnh viện Mỹ Đức là yếu tố quan trọng giúp nhóm nghiên cứu vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.

Họ nỗ lực trong mọi công đoạn, từ việc thu nhận bệnh nhân, hướng dẫn, theo dõi chuẩn bị nội mạc, lên lịch chuyển phôi và đảm bảo chuyển phôi được diễn ra trọn vẹn đến việc thu thập và lưu trữ mẫu máu…

Tất cả các khâu đều phải đảm bảo, thực hiện hoàn chỉnh, theo đúng quy chuẩn quốc tế. Trong quá trình nghiên cứu, trung tâm làm việc chặt chẽ và tuân thủ nghiêm túc các quy định đạo đức và quy tắc tốt lâm sàng (GCP). Điều này giúp quá trình nghiên cứu diễn ra trôi chảy.

ThS.BS Hồ Mạnh Tường - đại diện Trung tâm nghiên cứu HOPE, Bệnh viện Mỹ Đức cho rằng, thành quả của công trình khoa học có được là nhờ sự đóng góp của nhóm nghiên cứu và các nhân tố xung quanh.

“Các kết quả và hiểu biết sâu sắc liên quan đến phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung rút ra từ công trình nghiên cứu này sẽ giúp việc lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân. Nó cũng tối ưu hóa sự an toàn và hiệu quả quá trình điều trị, phù hợp xu hướng cá thể hóa của y học hiện đại”, BS Tường nói.

 ThS.BS Hồ Mạnh Tường giám sát quy trình theo dõi đánh giá sự phát triển của phôi trước khi được chuyển vào buồng tử cung của người mẹ. Ảnh: BVCC

ThS.BS Hồ Mạnh Tường giám sát quy trình theo dõi đánh giá sự phát triển của phôi trước khi được chuyển vào buồng tử cung của người mẹ. Ảnh: BVCC

Công bố trên tạp chí y khoa uy tín

BS Anh Vũ chia sẻ, từ khi hoàn thành nhận mẫu vào tháng 3/2023, nhóm nghiên cứu bắt đầu chuẩn bị bản thảo và các tài liệu liên quan để nộp bài cho tạp chí y khoa The Lancet. 2 giờ sáng ngày 18/12/2023, sau hơn 9 tháng chuẩn bị, với nhiều cuộc họp trực tuyến và trực tiếp giữa nhóm nghiên cứu Việt Nam cùng các chuyên gia hợp tác từ Australia, nhóm đã gửi bản thảo đầu tiên cho tập san The Lancet.

Mất gần 2 tháng làm việc, nhóm bình duyệt (reviewer) gồm 5 chuyên gia phản biện độc lập hàng đầu trên thế giới và Ban biên tập của The Lancet gửi lại kết quả. Tổng cộng có 111 yêu cầu và câu hỏi bao phủ mọi khía cạnh của bài báo và nghiên cứu liên quan đến nhóm nghiên cứu và các bình duyệt viên, thành viên chủ chốt trong Ban biên tập.

“Nhóm nghiên cứu mất 3 tuần làm việc, tích cực tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia Australia, chuẩn bị các câu trả lời và cung cấp thêm thông tin dữ liệu liên quan cho những yêu cầu này. Bộ hồ sơ phản hồi của công trình nghiên cứu hơn 100 trang tài liệu, bao gồm nội dung phản hồi, bản thảo chỉnh sửa và phụ lục đã được hoàn thiện và gửi lại cho tập san”, BS Vũ kể.

Ba tuần sau, nhóm nhận được sự phản hồi tích cực từ Ban biên tập của The Lancet và hầu hết các bình duyệt viên. Trong vòng lượt bình duyệt thứ hai, còn 43 yêu cầu cần làm rõ thêm. Nhóm hồi đáp những yêu cầu này trong 11 trang cùng với bản thảo mới có chỉnh sửa, bổ sung các phụ lục và gửi lại.

Giữa tháng 6/2024, bản thảo cuối cùng của nghiên cứu về các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung chính thức được chấp nhận đăng tải trên The Lancet. Lúc 23 giờ 30 phút, ngày 26/6/2024 (theo giờ Anh quốc), công trình khoa học này chính thức xuất hiện đầy đủ trên bản online của The Lancet và sẽ xuất hiện trên phiên bản báo in trong thời gian tới.

Theo BS Vũ, đây là lần thứ hai, một công trình khoa học giá trị của Bệnh viện Mỹ Đức nói riêng và Y khoa Việt Nam nói chung xuất hiện trên tập san y khoa này. Trước đó, công trình khoa học “So sánh hiệu quả kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) và thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển ở bệnh nhân vô sinh không có bất thường tinh trùng” của bệnh viện cũng được công bố trên Lancet vào tháng 4/2021.

BS Vũ cho hay, đây cũng là công trình khoa học đầu tiên có tiến hành phân tích giữa kỳ và được hội đồng phân tích dữ liệu quốc tế độc lập đánh giá. Hội đồng này bao gồm các giáo sư Lyle Gurrin, Jim Thorton và Ernest Ng đến từ Anh, Australia và Hong Kong.

Việc làm này đảm bảo các dữ liệu nghiên cứu luôn được giám sát và đánh giá khách quan, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhân, cũng như tăng tính khoa học và độ tin cậy của nghiên cứu.

Công trình khoa học này là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên thế giới được tiến hành với cỡ mẫu lớn 1.428 bệnh nhân. Thiết kế chặt chẽ, đầy đủ các vấn đề liên quan mật thiết đến hiệu quả - tính an toàn của ba phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung thường được sử dụng nhất hiện nay trong thực hành lâm sàng.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-to-am-cho-phoi-them-hy-vong-cho-nguoi-hiem-muon-post691176.html