Chuyện chưa biết về những cụm công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh của ngành Dầu khí Việt Nam

Thực tế, đồ sộ, giá trị cao, nhiều người tham gia, thời gian nghiên cứu dài và vẫn còn được triển khai, tiếp nối cho đến nay... là những điều thú vị về các công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” vào năm 2012. Đây là công trình xuất phát từ thực tế tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu thô tại nước ta (khi đó chỉ có duy nhất Liên doanh Vietsovpetro là thành công thăm dò khai thác dầu thô), được đánh giá là bước ngoặt vô tiền khoáng hậu của ngành Dầu khí Việt Nam cũng như thế giới. Bởi nước ta đã tìm ra dầu trong tầng đá móng nứt nẻ. Đây là phát hiện đánh đổ hoàn toàn khái niệm dầu không có trong tầng móng của ngành khoa học dầu khí thế giới trước đó.

Cụm giàn Công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Đức Hậu (Vietsovpetro).

Cụm giàn Công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Đức Hậu (Vietsovpetro).

Theo đó, Vietsovpetro đã phát hiện và bắt đầu khai thác dầu từ móng mỏ Bạch Hổ - bể Cửu Long kể từ ngày 6/9/1988. Nhiều mỏ dầu trong tầng chứa móng nứt nẻ sau dó lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác hiệu quả ở Việt Nam cho đến nay.

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, từ năm 1988 đến năm 2012, Việt Nam đã khai thác từ tầng chứa móng nứt nẻ trên 200 triệu tấn dầu (khoảng 80% tổng sản lượng dầu), thu gom trên 26 tỉ m3 khí với gần 6 triệu tấn LPG và condensate. Ước tính, tổng doanh thu dầu khai thác từ tầng đá móng trên 50 tỉ USD. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và sự phát triển ổn định chung của nền kinh tế Việt Nam.

Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam.

Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam.

Theo TSKH. Phùng Đình Thực - nguyên Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, đây là một công trình sáng tạo với nhiều bằng phát minh, là sáng kiến của đội ngũ 49 cán bộ khoa học ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian hơn 24 năm. Công trình đã hình thành quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí mới và kết quả đã góp phần rất lớn cho kinh tế đất nước. Những thành tựu khoa học - công nghệ của các nhà địa chất và kỹ sư dầu khí của ngành Dầu khí Việt Nam và Vietsovpetro có giá trị thực tiễn không chỉ trong bể Cửu Long mà có thể ứng dụng cho các bể chứa dầu khác trên thềm lục địa Việt Nam và khu vực.

Chính vì vậy, sau khi được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, công trình vẫn đang được triển khai, tiếp tục "khai phá" tiềm năng dầu khí từ các bể Cửu Long, Sông Hồng, Tư Chính,... Trong đó, đặc biệt tìm hiểu sâu về các bẫy địa tầng bất quy tắc, dần xác định nguyên nhân tạo nên các mỏ dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Giàn Tam Đảo 05 và giàn Tam Đảo 03 ở mỏ Bạch Hổ.

Giàn Tam Đảo 05 và giàn Tam Đảo 03 ở mỏ Bạch Hổ.

Sau công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” đúng 5 năm (năm 2017), ngành Dầu khí vinh dự có đến hai công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh là công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” và cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”. Các công trình khoa học này đều được phục vụ trực tiếp cho công tác sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam.

Trong đó, thông qua việc ứng dụng tại dự án của Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), PV Shipyard đã góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của dự án Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 lên 39% so với dự án Tam Đảo 03 là 34,7%. Đồng thời, giảm thời gian làm việc của các chuyên gia nước ngoài từ khoảng 43.000 giờ (Tam Đảo 03) xuống còn 11.000 giờ (Tam Đảo 05).

Bên cạnh đó, PV Shipyard đã rút ngắn thời gian thi công dự án Tam Đảo 05 xuống 32 tháng, dù khối lượng chế tạo gấp 1,5 lần so với khối lượng chế tạo của dự án Tam Đảo 03.

Được biết, ngay từ dự án đầu tiên chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 thì đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã đảm trách phần thiết kế chi tiết (thiết kế kỹ thuật) và thiết kế thi công, bên cạnh đó đội ngũ PV Shipyard còn đảm nhiệm toàn bộ công tác chế tạo, lắp đặt tổ hợp giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05.

Nhóm cán bộ công nhân viên, nhà nghiên cứu chế tạo của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan. (Ảnh tư liệu).

Nhóm cán bộ công nhân viên, nhà nghiên cứu chế tạo của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan. (Ảnh tư liệu).

Ở đây, cần phải nói thêm rằng trước khi thực hiện công trình này thì phần lớn công việc chính gồm thiết kế, thi công chế tạo giàn khoan (thăm dò cũng như khai thác) tại nước ta đều do các đối tác quốc tế thực hiện. Hay nói cách khác là dù được lắp đặt ở Việt Nam nhưng chúng ta chỉ tham gia vào khâu gia công đơn giản khi lắp đặt kết cấu thép. Bởi vậy mà khi đội ngũ kỹ sư Việt Nam quyết tâm triển khai dự án để nâng cao năng lực của ngành chế tạo dầu khí Việt Nam, đặc biệt trong khâu thiết kế, thi công đã khiến nhiều người cho là không tưởng.

Trong đó, một số ý kiến cho rằng chỉ nâng tỉ lệ nội địa lên hơn 5%, giảm giờ thi công xuống thì cũng không có gì quá ghê gớm. Nhưng thực sự, để tăng 1% tỉ lệ nội địa hóa trong thiết kế, thi công giàn khoan hay bất cứ công trình công nghiệp lớn nào là cực kỳ khó khăn. Đơn cử như để sửa/thay đổi một chi tiết trong bản thiết kế (đều có tính bản quyền khoa học, công nghệ), dù đứng ở vai nhà đầu tư thì các kỹ sư Việt Nam vẫn phải tổ chức cả trăm cuộc họp cùng đối tác. Nói nôm na là mỗi cuộc họp kỹ thuật lại phải “thuyết phục” cho kỳ được đối tác căn cứ trên các tri thức khoa học và kết quả thực tế mà đội ngũ kỹ sư Việt Nam thu thập được.

Còn về cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”, công trình được Vietsovpetro ứng dụng trong thực tiễn thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô tại các mỏ của Liên doanh. Tính đến hết năm 2014, hiệu quả kinh tế trực tiếp của cụm công trình lên đến 779,7 triệu USD, con số này tiếp tục tăng theo các năm.

Công trình đã phát triển và hoàn thiện tổ hợp công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô nhiều paraffin, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của khai thác mỏ và điều kiện lịch sử của đất nước. Quan trọng hơn, công nghệ này góp phần làm phong phú thêm công nghệ vận chuyển dầu trên thế giới. Đó là vận chuyển hỗn hợp dầu khí ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc, vận chuyển dầu bão hòa khí, vận chuyển dầu pha loãng condensate, sử dụng địa nhiệt, bơm nước bổ sung tẩy rửa lớp lắng đọng paraffin.

Thành công này không chỉ làm giảm chi phí trực tiếp khai thác các mỏ dầu khí mà còn mang lại những ưu điểm nổi bật vượt trội như rút ngắn thời gian đưa các khu vực mới của mỏ vào khai thác, giảm chi phí xây dựng và vận hành khai thác, tận dụng được các giếng khoan thăm dò để đưa vào khai thác. Trên cơ sở các kết quả thành công của công nghệ xử lý và vận chuyển dầu mỏ Bạch Hổ và Rồng đã cho phép Vietsovpetro mở rộng, phát triển và đưa vào khai thác thành công các mỏ nhỏ, cận biên thuộc Lô 09-1.

Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan. Ảnh Đức Hậu.

Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan. Ảnh Đức Hậu.

Cũng đúng 5 năm sau hai công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, năm 2022 ngành Dầu khí lại được vinh dự lớn với 3 cụm công trình khoa học đoạt giải gồm: Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam”; cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” và cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0”.

Nếu hai cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” và “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” là sự tiếp nối, phát triển từ hai công trình nghiên cứu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí từ những năm trước (2012 và 2017) với những đặc thù riêng, hiệu quả cao về công nghiệp khai thác khí tại vùng nước sâu, xa bờ hay góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định khả năng làm chủ công nghệ của ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là trong việc thiết kế, thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt các công dầu khí siêu trường siêu trọng ở những vùng địa chính trị nhạy cảm là nơi có độ sâu nước lớn, góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia; thì nghiên cứu, ứng dụng cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và Bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0” được đánh giá là một sự bền bỉ nghiên cứu đáng kinh ngạc, thực sự đưa ngành Dầu khí Việt Nam “từ không đến có” và vượt trội hơn cả.

Từ năm 1992, nhóm nghiên cứu của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan thuộc Liên doanh Vietsovpetro đã bắt tay vào nghiên cứu, ứng dụng cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và Bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0”. Cụm công trình gồm 2 công trình khoa học công nghệ bắt đầu từ những bước đổi mới công nghệ bằng nội lực trên cơ sở số hóa và máy tính hóa trong công nghệ địa vật lý giếng khoan trên 2 mảng lớn là thiết bị ghi số địa vật lý, thiết bị đo địa vật lý giếng khoan và các quy trình xử lý minh giải tài liệu địa vật lý từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX.

Các giải pháp được đưa vào sử dụng đã giải quyết bài toán công nghệ, khắc phục những khó khăn tồn đọng và đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất; phát huy được công tác nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng công việc; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ của đơn vị; giúp tiết kiệm tối đa chi phí mua sắm từ nước ngoài, tăng năng lực tự chủ và khả năng cạnh tranh của Xí nghiệp.

Theo đánh giá của Hội đồng khoa học quốc gia, đây là cụm công trình có giá trị rất cao về mặt khoa học, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành chế tạo thiết bị địa vật lý, thiết bị điện tử chuyên ngành Dầu khí và bộ quy trình minh giải địa vật lý, công nghệ địa vật lý giếng khoan, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam cũng như phục vụ đắc lực cho các công tác thăm dò, khai thác dầu khí, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt công nghệ ngành Địa vật lý giếng khoan của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trong khu vực có công nghệ Địa vật lý giếng khoan phát triển ngang tầm thế giới.

Có thể thấy rằng, những cụm công trình khoa học công nghệ ngành Dầu khí đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh đã và đang góp phần làm giàu cho đất nước. Trong đó, những nhà khoa học dầu khí đã luôn học tập theo Bác, sống và làm việc thật giản dị, bền bỉ, không ngừng cống hiến cho ngành khoa học dầu khí, góp phần thực hiện mong ước của Bác Hồ về một ngành công nghiệp Dầu khí mạnh của Việt Nam.

Cho đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã có 6 công trình, cụm công trình khoa học vinh dự đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Các công trình khoa học của ngành Dầu khí là sự kết nối những truyền thống quý báu của người dầu khí, luôn nỗ lực cống hiến cho đất nước.

T. Công

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/chuyen-chua-biet-ve-nhung-cum-cong-trinh-khoa-hoc-dat-giai-thuong-ho-chi-minh-cua-nganh-dau-khi-viet-nam-i738914/