Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên: Nâng cao về lượng và chất. Bài 1: Dấu ấn từ một nghị quyết đúng

Xác định việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở (TCCS) đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW (viết tắt là Nghị quyết số 22), ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về 'Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên', tỉnh đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, hạn chế để xây dựng TCCS đảng xứng đáng là cầu nối quan trọng giữa Đảng với quần chúng; xây dựng đội ngũ đảng viên 'vừa hồng, vừa chuyên', nói đi đôi với làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS đảng trong toàn tỉnh.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động

Thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong những năm về trước, Nghị quyết số 22 đã xác định quan điểm, mục tiêu, giải pháp đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Đảng. Theo đó, xác định: “Toàn Ðảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở cơ sở, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn; lấy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở làm thước đo kết quả tổng hợp của công tác xây dựng Ðảng”.

Diễn đàn sinh hoạt chi bộ tại Chi bộ Ban Tuyên giáo-Trung tâm Chính trị huyện Đakrông, một trong những giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên ở miền núi - Ảnh: K.S

Diễn đàn sinh hoạt chi bộ tại Chi bộ Ban Tuyên giáo-Trung tâm Chính trị huyện Đakrông, một trong những giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên ở miền núi - Ảnh: K.S

Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết số 22 và các quy định, hướng dẫn của trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh đã cụ thể hóa các giải pháp xây dựng TCCS đảng và đảng viên phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Chương trình hành động số 62-CTr/TU, ngày 30/7/2008 về thực hiện Nghị quyết số 22 (gọi tắt là CTHĐ số 62) với nhiều giải pháp quyết tâm sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Trong đó, cụ thể hóa 5 nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 22 thành 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện, đó là: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; kiện toàn tổ chức, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động các loại hình TCCS đảng; thực hiện mạnh mẽ chủ trương “bốn hóa” (trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa) trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và sinh hoạt đảng; bổ sung, hoàn thiện chính sách và cải thiện điều kiện làm việc đối với cán bộ, công chức ở cơ sở; tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý đối với các TCCS đảng và cán bộ, đảng viên; dựa vào dân để làm tốt công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy cơ sở cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch của cấp mình phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đưa nghị quyết đi vào cuộc sống

Qua thực hiện, có một số giải pháp đột phá, cách làm hay, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy và cấp ủy cấp huyện đối với công tác xây dựng TCCS đảng và đội ngũ đảng viên đã được đề ra và thực hiện có hiệu quả.

Nhiều lao động trong các doanh nghiệp được các TCCSĐ quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng - Ảnh: K.S

Nhiều lao động trong các doanh nghiệp được các TCCSĐ quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng - Ảnh: K.S

“Tổ chức bộ máy của các địa phương, cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức đảng tại địa phương, phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc triển khai thực hiện chủ trương “bốn hóa” trong xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cơ cấu quy hoạch cán bộ ở tỉnh ngày càng hợp lý hơn, đã chú ý phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, quan tâm tạo nguồn để có 3 độ tuổi trong quy hoạch, nhờ thế, tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số được nâng lên. Từng bước khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực sự làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, luân chuyển cán bộ và công tác nhân sự”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng cho hay.

Mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Hướng Hóa được đánh giá là địa phương tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 và đạt những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là thực hiện “bốn hóa” có hiệu quả.

Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Nguyễn Tăng cho biết: “Qua thực hiện Nghị quyết số 22 và CTHĐ số 62, công tác quy hoạch cán bộ từ huyện đến cơ sở qua các nhiệm kỳ ngày càng được trẻ hóa. BTV Huyện ủy tích cực phối hợp mở các lớp chuẩn hóa trình độ đại học chuyên môn, trung cấp lý luận chính trị, sơ cấp lý luận chính trị và cử cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn đi đào tạo các lớp cao cấp lý luận chính trị, đảm bảo yêu cầu đề ra. Đối với việc thực hiện nhất thể hóa, toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn (100%) thực hiện tốt chủ trương bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã, thị trấn. BTV Huyện ủy quan tâm thực hiện điều động, luân chuyển 14 lượt cán bộ trẻ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo huyện về giữ các chức danh chủ chốt của xã để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho huyện theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn, đặc biệt là cán bộ nữ. Đối với cán bộ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn để giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở thì giải quyết chế độ chính sách, hoặc bố trí ở những vị trí thấp hơn. Một số địa phương gắn công tác luân chuyển cán bộ với việc thực hiện tốt chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt là bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải là người địa phương, tiêu biểu như thị trấn Lao Bảo, xã Hướng Linh, xã Hướng Sơn”.

Các cấp ủy tích cực triển khai các giải pháp để “xóa” thôn, bản chưa có đảng viên, thu hẹp số thôn, bản chưa có chi bộ. Tập trung vào công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các địa bàn nông thôn và miền núi.

Riêng 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, BTV Tỉnh ủy thực hiện chủ trương đưa đảng viên thuộc Đảng bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và tăng cường sĩ quan BĐBP làm phó bí thư đảng ủy các xã, thị trấn biên giới.

Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho biết: “Các sĩ quan BĐBP tỉnh tăng cường làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới trên địa bàn huyện đã tích cực tham mưu củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động cấp ủy, tổ chức đảng ở các xã biên giới; giúp cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên bổ sung quy chế làm việc, từng bước nâng cao chất lượng thực hiện chế độ sinh hoạt đảng; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo ở các địa phương. Các đảng viên thuộc Đảng bộ BĐBP tỉnh tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản luôn chủ động tham mưu giúp cấp ủy và bí thư chi bộ trong hướng dẫn các nội dung sinh hoạt chi bộ: chuẩn bị nội dung sinh hoạt, xây dựng nghị quyết, biên bản sinh hoạt, quy chế dân chủ cơ sở và quy chế phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong thôn...; cùng với đảng viên trong chi bộ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong thôn; tích cực tham gia bảo vệ đường biên giới, cột mốc, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục... Các đảng viên BĐBP hướng dẫn, hỗ trợ triển khai mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế hộ gia đình trong đảng viên, đoàn viên thanh niên; phát huy tốt vai trò của các tổ chức, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn để vận động bà con xây dựng các thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới”

Vẫn còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 22 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Nguyễn Tăng cho biết thêm: “Là huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân cư chưa đồng đều nên việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đảng viên ở một số tổ chức đảng chưa sâu sát. Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết vẫn còn một số tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện kiêm nhiệm 2 chức danh cán bộ chủ chốt của một địa phương nên quá trình xử lý trong lãnh đạo, quản lý đôi lúc còn lúng túng, dễ tạo áp lực trong công việc”.

Còn đối với huyện Đakrông thì: “Một số cấp ủy đảng chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng; việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của TCCS đảng; việc vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc đảng ủy các xã, thị trấn là cán bộ không chuyên trách nên thời gian làm việc không đảm bảo các ngày trong tuần, chất lượng chưa cao. Công tác phát đảng viên gặp khó khăn; một số đảng viên đi làm ăn xa không chuyển sinh hoạt Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng phải xóa tên đảng viên”, Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho hay.

Ngoài các khó khăn nói trên ở huyện Hướng Hóa và Đakrông, vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong mô hình đảng bộ cơ quan chính quyền, trong các doanh nghiệp tư nhân (nơi bí thư không phải là chủ doanh nghiệp) trong tỉnh chưa thực sự phát huy được.

Việc kiện toàn sắp xếp cơ quan, đơn vị hành chính gắn với kiện toàn tổ chức đảng còn một số bất cập nhất là giải quyết số cán bộ dôi dư, quản lý địa bàn, tổ chức sinh hoạt chi bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ ở cơ sở nhất là xã phường, thị trấn còn nhiều bất cập, công tác trẻ hóa, chuẩn hóa còn gặp khó khăn; việc thu hút sinh viên giỏi về công tác tại xã, phường, thị trấn thiếu những chính sách, cơ chế đảm bảo để cán bộ công tác lâu dài.

Chất lượng nội dung sinh hoạt ở một số chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chưa cao. Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên chưa đồng đều ở các địa phương, đơn vị, một số nơi còn gặp khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn và trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đồng bào có đạo. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm của một số cấp ủy chưa chặt chẽ, thiếu chính xác và mang tính hình thức...

Từ những khó khăn, tồn tại, công tác xây dựng TCCS đảng và đội ngũ đảng viên cần có những giải pháp tích cực, đổi mới để nâng cao chất lượng.

Kăn Sương - Phi Cường

Bài 2: Sự kế thừa có chọn lọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/xay-dung-to-chuc-co-so-dang-va-doi-ngu-dang-vien-nang-cao-ve-luong-va-chat-bai-1-dau-an-tu-mot-nghi-quyet-dung/180107.htm