Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng niềm tin của người lao động
Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững.
Trở lại với Thái Nguyên, thời gian qua, tỉnh đã tạo được những ấn tượng mạnh mẽ và sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thông qua những cam kết đi đôi với hành động cụ thể, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Trong năm 2021-2022, nhiều nhà đầu tư đã đăng ký mở rộng đầu tư vào tỉnh. Trong đó, chỉ riêng Tập đoàn Samsung đã quyết định đầu tư thêm gần 1,2 tỷ USD vào dự án Samsung điện cơ tại Khu công nghiệp Yên Bình, nâng tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh lên 2,27 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 24 dự án FDI được cấp mới, 9 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn đạt 181,36 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 194 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 10,5 tỷ USD.
Với việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư đã thu hút một lực lượng lớn người lao động đến sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Việc này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh hoạt động Công đoàn, nhằm đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tỉnh ủy Thái Nguyên luôn thống nhất quan điểm củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân là trách nhiệm của cấp ủy và cả hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động của các cấp Công đoàn, như: Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 29/10/2019 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; Chương trình số 12-CTr/TU ngày 27/9/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Hàng năm, tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh với đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn. Qua đó đã góp phần giải quyết những đề xuất, kiến nghị của người lao động liên quan đến các mặt đời sống, việc làm, chế độ chính sách...
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tổ chức Công đoàn cũng đã tích cực vào cuộc và có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động nhằm chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, CNVCLĐ, với nhiều hoạt động nổi bật mang màu sắc Công đoàn.
Cụ thể như: Chương trình Tết Sum vầy, Tháng Công nhân; xây dựng nhà Mái ấm Công đoàn; Lễ cưới tập thể; hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế; chung tay xây dựng nông thôn mới... Qua đó đã góp phần không nhỏ tạo niềm tin tưởng và không ngừng nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động và toàn xã hội…
Các phong trào thi đua yêu nước cũng được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, mang lại kết quả thiết thực. Tiêu biểu như phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật” đã tạo được sự lan tỏa, thể hiện trí tuệ, tinh thần hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là trong nhiệm kỳ qua đã có trên 18.000 đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, với giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khi dịch COVID-19 bùng phát, đã có nhiều đoàn viên, CNVCLĐ tiên phong tham gia chống dịch, nỗ lực vượt khó, bám trụ sản xuất, triển khai nhiều việc làm ý nghĩa, nhân văn, sáng lên tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nghĩa tình trong khó khăn, hoạn nạn.
Những đóng góp tích cực của các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao hơn bình quân chung cả nước. Tăng trưởng năm 2021 đạt 6,51% (cả nước 2,58%); năm 2022 đạt 8,59% (cả nước 8,02%); 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,17% (cả nước 3,72%).
Thu ngân sách năm 2022 đạt trên 19.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu tự cân đối ngân sách và có điều tiết 4% số thu về Trung ương.
GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 107 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 20,5% so với năm 2020, đứng đầu trong 14 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 7/10 tỉnh trong vùng Thủ đô và đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2023 phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt tiến độ 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Các xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của người dân, sự tương tác giữa người dân và chính quyền, chuyển đổi số đều tăng mạnh, đứng trong top 5, top 10 toàn quốc. Năm 2022, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Năm 2021 và 2022 đều đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (tăng 4 bậc so với năm 2020).
Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu xây dựng Thái Nguyên là trung tâm kinh tế công nghiệp, công nghệ cao, cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Dự báo số lượng doanh nghiệp và công nhân lao động tiếp tục tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc thực thi cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra một thách thức to lớn cho tổ chức Công đoàn.
Tỉnh ủy Thái Nguyên mong muốn tổ chức Công đoàn trên địa bàn tỉnh phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị. Cần quyết liệt đổi mới nội dung và phương thức tổ chức hoạt động, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thái Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai tổ chức các hoạt động; làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có năng lực, bản lĩnh, chuyên nghiệp, gắn bó với cơ sở, gần gũi với công nhân lao động để tuyên truyền, vận động tập hợp đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn. Đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển Đảng, đẩy mạnh công tác giới thiệu phát triển đảng viên, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động của Công đoàn...
Với những kết quả đã đạt được và sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp Công đoàn trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh hy vọng và tin tưởng rằng, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích trong nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên, luôn hạnh phúc, luôn sung túc và ngày càng phát triển, trở thành “một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta” đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Nguyên ngày 1/1/1964.