Xây dựng tòa án điện tử, hiện thực hóa quyết tâm chuyển đổi số
Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong 'thời đại số' để bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới. Đây cũng là việc thực hiện cam kết của TAND TC tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử). Ấn phẩm PL&XH có cuộc trao đổi với Chánh án TAND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tuấn về việc áp dụng công nghệ trong xét xử...
Chánh án TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội:
Thưa Chánh án, Trợ lý ảo được coi là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Ngành Tòa án yêu cầu, bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm Trợ lý ảo phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng. Ông nhận định như thế nào về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phần mềm này thưa ông?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chánh án và Kế hoạch số 49/KH-TAND TC ngày 15/3/2022 của TAND TC, trong 2 ngày 5-6/4/2022, TAND TC đã tổ chức tập huấn cho các Thẩm phán trong toàn hệ thống Tòa án về việc hướng dẫn sử dụng phần mềm Trợ lý ảo. Đồng thời ngành Tòa án cũng yêu cầu 100% các Thẩm phán sử dụng phần mềm Trợ lý ảo phục vụ công tác chuyên môn. Ngay sau khi được tập huấn, chúng tôi đã quán triệt thực hiện nghiêm túc kế hoạch của TAND TC tới các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, cán bộ văn phòng của đơn vị vì việc sử dụng phần mềm Trợ lý ảo này giúp cho các Thẩm phán giải quyết các vụ án một cách nhanh gọn, hiệu quả; làm cho việc áp dụng pháp luật được áp dụng thống nhất. Đối với cán bộ văn phòng trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác. Chúng tôi cũng có những thuận lợi, khó khăn cụ thể:
Về thuận lợi, phần mềm trợ lý ảo cài đặt được trên máy tính và Smartphone nên việc thực hành các chức năng của phần mềm có thể thực hiện được mọi lúc, mọi nơi. TAND quận Nam Từ Liêm đã được trang bị hệ thống máy tính có kết nối mạng Internet tốc độ cao để các Thẩm phán, Thư ký, cán bộ văn phòng ứng dụng phần mềm Trợ lý ảo.
Về khó khăn, trình độ về công nghệ thông tin giữa các Thẩm phán, Thư ký, cán bộ chưa đồng đều. Các Tòa án cấp quận, huyện chưa được biên chế về cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.
- Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống Trợ lý ảo được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Năm 2021, Trợ lý ảo được xây dựng phù hợp với tính chất, đặc thù của Tòa án, hoàn thiện phần cơ sở dữ liệu pháp luật theo hướng đến các bộ luật để xây dựng, hình thành kênh tri thức, đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin như: chỉ dẫn pháp luật, tra cứu văn bản pháp luật, hỏi đáp về án lệ… Giai đoạn 2 (năm 2022), Giai đoạn 3 (từ năm 2023-2030), vậy, với giai đoạn 1, đơn vị mình đã chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Ngay sau khi Kế hoạch số 49/KH-TAND TC ngày 15/3/2022 được triển khai và được tập huấn, nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng phần mềm Trợ lý ảo, TAND quận Nam Từ Liêm đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cho các Thẩm phán như máy tính, mạng Internet được nâng cấp. Đồng thời, ở giai đoạn 1 xác định cho các Thẩm phán khi giải quyết một vụ án cụ thể cần phải tra cứu văn bản pháp luật cho chính xác, các điều khoản của Luật, thời hiệu còn hay hết. Các án lệ áp dụng tương tự cho Thẩm phán tham khảo, giải đáp pháp luật của Hội đồng Thẩm phán – TAND TC, điều đó sẽ giúp ích cho các Thẩm phán rất nhiều. Thông qua việc ứng dụng ở giai đoạn 1, các Thẩm phán tích lũy kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho phần mềm Trợ lý ảo ở giai đoạn 2, giai đoạn 3.
- Phần mềm Trợ lý ảo được xem như cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp, hỗ trợ Thẩm phán trong việc xét xử, giải quyết án. Đây cũng được xem như một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình xây dựng Tòa án điện tử, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của TAND TC, bình luận của Chánh án vấn đề này?
- Đây là một phần mềm có khả năng thực hiện các yêu cầu tìm kiếm thông tin nhanh dựa trên câu hỏi, khẩu lệnh của Thẩm phán nhằm hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm, rút ngắn thời gian xử lý vụ việc. Giúp cán bộ hành chính tư pháp trong việc nhận, phân loại, xử lý các loại đơn. Đây là một trong những bước quan trọng để chúng ta tiến tới xây dựng “Tòa án điện tử” góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án; đỡ tốn thời gian công sức của người dân khi tham gia tố tụng tại Tòa án, góp phần tạo niềm tin cho người dân đối với hệ thống Tòa án.
- Trân trọng cảm ơn Chánh án. Năm mới, chúc ông và gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc. Chúc TAND quận Nam Từ Liêm thực hiện chuyển đổi số thành công!
Nguyên Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào: Việc ứng dụng công nghệ thông tin để hổ trợ cho Thẩm phán trong hoạt động xét xử đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện; riêng về Trợ lý ảo, tôi chưa được trực tiếp tiếp cận, nhưng theo sự truyền đạt của Chánh án TAND TC thì Mỹ, Úc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia,… đã và đang triển khai phần mềm này rất có hiệu quả.
Việc sử dụng Trợ lý ảo giúp các Thẩm phán đưa ra các quyết định đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, được dư luận xã hội đồng tình…
Chánh án TAND TC đã chỉ đạo xây dựng phần mềm Trợ lý ảo Thẩm phán là việc ứng dụng công nghệ thông tin để giúp tất các Thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể; hướng dẫn Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng kịp thời, đúng quy định pháp luật; giúp các Thẩm phán ra các quyết định đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, được dư luận xã hội đồng tình.
Trợ lý ảo được coi là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, với tinh thần không cầu toàn, vừa sử dụng vừa hoàn thiện, nên TANDTC đã chính thức đưa phần mềm này vào hoạt đông từ đầu tháng 4/2022. Hiện nay, hầu hết các Thẩm phán trong cả nước đã sử dụng phần mềm này trong công tác xét xử, bước đầu đã được các Thẩm phán đánh giá rất cao về vai trò của phần mềm trợ giúp mình trong việc thực thi công vụ.