Xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long
Theo Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, TP. Cần Thơ là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đồng thời là đô thị hạt nhân của vùng.
Đây là những nội dung được đưa ra tại Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức ngày 8/9.
Theo Nghị quyết 59, mục tiêu đến năm 2030, TP. Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2045: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế trung ương - cho biết: Trước bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào giai đoạn mới với các thách thức và cơ hội to lớn, Bộ Chính trị đã quyết định ban hành Nghị quyết 59 để giúp Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tới đây. Nghị quyết 59 có tính kế thừa Nghị quyết 45 năm 2005 và phát triển rất cao.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Cần Thơ không chỉ cho Cần Thơ mà trở thành trung tâm vùng, theo đó cần thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và công tác xây dựng Đảng theo đúng tinh thần phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
Theo ông Trần Quốc Trung - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - ngay sau khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã tiến hành xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW. Mục đích của chương trình là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Ông Trung khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban kinh tế Trung ương, bám sát để Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, từ đó TP. Cần Thơ sẽ có cơ sở cũng như nhiều sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 59 đã đề ra.
Được biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, cơ cấu kinh tế TP. Cần Thơ đã chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, đạt mức 92,3% trong cơ cấu GRDP năm 2019; từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng về công nghiệp và dịch vụ. Hoàn thành trước thời hạn chương trình nông thôn mới và đang xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng; thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lớn hơn gấp 7,1 lần so năm 2005, đứng đầu vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm và chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020... Vì vậy, ngày 5/8, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.