Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế là cấp thiết
Ngày 6/3, Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo 'Góp ý thảo luận về việc nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao thành Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế'.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trong 3 khu công nghệ cao quốc gia, chỉ có Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có Trung tâm Nghiên cứu triển khai.
Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực vi cơ điện tử và mở rộng ra lĩnh vực vi mạch; nhóm nghiên cứu mạnh công nghệ sinh học, có nhiều bằng phát minh… nhiều sản phẩm bước đầu đã được thương mại hóa sản phẩm.
Mục tiêu đề ra đến năm 2025 phấn đấu đưa Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao tiệm cận với trình độ quốc tế, trở thành mắc xích quan trọng trong hệ sinh thái nghiên cứu triển khai, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về vi mạch, sinh học, nano…
Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh
“Việc nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao thành Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách đột phá về phát triển khoa học-công nghệ hiện nay”, Tiến sĩ Lê Quốc Cường nhấn mạnh.
Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế được hình thành cũng sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy quá trình nâng cấp các trung tâm nghiên cứu của các doanh nghiệp, đẩy mạnh quá trình hợp tác 3 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) trong Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Tiến sĩ Trịnh Xuân Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao, Trung tâm Nghiên cứu triển khai có mạng lưới hợp tác sâu rộng, từng phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu quốc tế.
Trung tâm Nghiên cứu triển khai phối hợp các chuyên gia nước ngoài tổ chức 7 khóa đào tạo về công nghệ vi cơ điện tử (MEMS); phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài như Đại học Tokyo, Đại học Tottori (Nhật Bản), Đại học Griffith (Australia), Đại học Tudelft (Hà Lan)…
Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao đã thực hiện thành công 17 đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ cấp Nhà nước, bộ và thành phố; gần 100 đề tài cấp cơ sở; công bố hơn 120 bài báo khoa học trong nước và quốc tế; được cấp 13 bằng sáng chế độc quyền; hỗ trợ thương mại hóa hơn 20 sản phẩm công nghệ cao...
Thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu triển khai hướng đến nghiên cứu trên các lĩnh vực công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT); chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt (PE); vật liệu nano...
Để trở thành Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề nguồn lực con người là quan trọng nhất, phải xây dựng được năng lực nội sinh.
Đồng thời, phải có chiến lược liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; có tầm nhìn, xác định được mục tiêu nghiên cứu ở các lĩnh vực công nghệ chủ chốt trong tương lai; thu hút được chuyên gia đầu ngành; có cơ sở vật chất để tạo ra môi trường nghiên cứu tốt.
Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế phải tạo được sản phẩm công nghệ mới, sản phẩm được thương mại hóa. Đơn vị này, phải trở thành một nhân tố tích cực trong hệ sinh thái khoa học-công nghệ trong nước và quốc tế; thể hiện được vai trò dẫn dắt, và phải được quốc tế công nhận là Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.