Xây dựng Trường Chính trị tỉnh xứng tầm là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh

Thực hiện Quy định 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Đề án 08 của tỉnh về xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn, Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn, nhằm từng bước chuẩn hóa các tiêu chí, nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của Trường Chính trị tỉnh được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Ảnh: Dương Hà

Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của Trường Chính trị tỉnh được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Ảnh: Dương Hà

Trường Chính trị tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; trang bị kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội...

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và hoạt động của trường vẫn còn một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 11 về Trường Chính trị chuẩn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 08 xây dựng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn.

Với Quy định của Ban Bí thư Trung ương và Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mở ra định hướng và cơ sở quan trọng để Trường Chính trị tỉnh chủ động tham mưu tạo cơ chế, nguồn lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Ban Giám hiệu nhà trường xác định, việc xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn sẽ khắc phục được những khó khăn, tạo bước đột phá để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Trường Chính trị tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; xác định lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó, phấn đấu đến năm 2023, nhà trường sẽ đạt chuẩn mức 1 và đạt chuẩn mức 2 vào năm 2027.

Thời điểm hiện tại, Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên nhà trường đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 1. Theo quy định Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 cần đạt 56 tiêu chí chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm tiêu chí có các chỉ tiêu cụ thể, được lượng hóa, gồm các nhóm tiêu chí về thể chế, quy định; đội ngũ cán bộ, viên chức; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật, tài chính.

Qua rà soát, Trường Chính trị tỉnh đã đạt 40/56 tiêu chí theo Quy định 11, đạt hơn 71%. Trong 6 nhóm tiêu chí, có 2 nhóm đạt 100%, là nhóm tiêu chí về thể chế, quy định và tiêu chí về xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ cương, kỷ luật; nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính phục vụ việc dạy, học và hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhà trường đã đạt chuẩn mức 1.

Một trong những nhóm tiêu chí khó khăn hiện nay là về đội ngũ cán bộ, viên chức. Hiện, nhà trường có 40 cán bộ, giảng viên. Theo Quy định 11 nhà trường còn thiếu cả về số lượng (20 người) và chưa đạt cả về chất lượng, nhất là đối với tiêu chí giữ ngạch giảng viên chính, tiêu chí có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Xuân Thăng chia sẻ: Nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, ngay từ năm 2021, nhà trường đã tăng cường cử cán bộ, giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi học, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

Kết hợp đào tạo với luân chuyển, sắp xếp cán bộ nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Có chính sách thu hút giảng viên lý luận chính trị có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và kinh nghiệm thực tiễn; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, giảng viên thực chất, khách quan gắn với phương thức “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.

Phấn đấu đến năm 2023, nhà trường có trên 90% giảng viên, 100% lãnh đạo khoa, phòng có trình độ thạc sĩ. Đến năm 2027, 100% cán bộ quản lý, giảng viên đạt chuẩn mức độ 2.

Đối với các tiêu chí còn lại, Trường Chính trị tỉnh đã xây dựng lộ trình cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, giảng viên và đưa ra những giải pháp thực hiện.

Trong năm 2022, nhà trường tăng cường hoạt động hội thảo khoa học, triển khai thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, xuất bản 4 đầu sách, bản tin Lý luận và Thực tiễn định kỳ, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng...

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên nhà trường là nền tảng vững chắc để Trường Chính trị phấn đấu đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2023.

Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xay-dung-dang/77396/xay-dung-truong-chinh-tri-tinh-xung-tam-la-trung-tam-dao-tao-boi-duong-can-bo-cua-tinh.html