Xây dựng trường học hạnh phúc
'Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ em làm trung tâm' gắn với nâng cao chất lượng chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025' là chủ đề được Bộ GD&ĐT triển khai trong năm học 2023-2024. Bám sát các nội dung yêu cầu, Phòng GD&ĐT huyện Đồng Phú đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp thực tế địa phương, góp phần đưa chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường ngày một đi lên, tạo dựng được niềm tin với phụ huynh.
Tạo môi trường học tập lý tưởng
Trường mầm non Đồng Tâm được Phòng GD&ĐT huyện Đồng Phú chọn thực hiện mô hình điểm “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”. Mặc dù đứng chân trên địa bàn vùng xa, vùng khó khăn của huyện, nhưng với sự đoàn kết và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường đã triển khai chuyên đề linh hoạt và hiệu quả. Qua đó, vươn lên top đầu về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở huyện Đồng Phú, 3 năm liền trường được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Năm học này, trường có 10 nhóm, lớp với 287 trẻ theo học. Ngoài chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp an toàn, xanh - sạch - đẹp, Ban Giám hiệu còn yêu cầu tất cả giáo viên khi thiết kế bài giảng, đồ dùng, đồ chơi phù hợp với chủ đề, cân bằng giữa học và chơi. Cô Nguyễn Thị Ái Ly, Hiệu phó Trường mầm non Đồng Tâm cho biết: Vào đầu mỗi năm học, tất cả giáo viên trong trường đều lên kế hoạch làm đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng chủ đề. Các bộ đồ dùng, đồ chơi được giáo viên lựa chọn tỉ mỉ, tận dụng tối đa nguyên vật liệu có sẵn, thiết kế khéo léo, sáng tạo, giúp trẻ vừa học vừa chơi một cách hiệu quả. Đặc biệt, nhà trường luôn hướng tới xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, an toàn, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện cho trẻ có nhiều cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát huy năng lực, sở trường để phát triển toàn diện.
Cũng như bao đồng nghiệp khác, mỗi giờ lên lớp của cô Lê Trà Giang, giáo viên lớp lá 3, Trường mầm non Đồng Tiến lại rộn tiếng cười nói, vui đùa của trẻ. Để kích thích sự tò mò, ham hiểu biết của trẻ, cô Giang đã dành tâm huyết, công sức tạo ra các sản phẩm đồ dùng, đồ chơi đa dạng, mang tính mở, mỗi góc chơi được thiết kế phù hợp để trẻ được thỏa sức tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, quan sát và thực hành… Cô Giang chia sẻ: Để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của trẻ, các hoạt động học, chơi cũng được thiết kế lại theo hướng chuyển từ giáo dục áp đặt sang tự giáo dục. Từ thiết kế bài dạy đến tổ chức các hoạt động học và chơi, giáo viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức, giám sát và giúp đỡ; trẻ được thực hành, trải nghiệm để phát triển cá nhân. Những đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã giúp trẻ sớm hình thành những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp xã hội chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi...
Tích cực xây dựng lớp, trường học hạnh phúc
Huyện Đồng Phú hiện có 11 trường mầm non công lập, 3 trường tư thục và 10 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, với tổng 5.149 trẻ theo học. Để chuyên đề đạt hiệu quả, từ đầu năm học, huyện đã dành hơn 6,3 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy học của các trường. Phòng GD&ĐT huyện xây dựng các khung tiêu chí thi đua, trong đó xác định xây dựng “trường học hạnh phúc” trước hết phải tạo được môi trường hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Theo đó, phòng đã chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn chú trọng xây dựng môi trường sư phạm đẹp, thân thiện, an toàn, đa dạng, phong phú theo hướng mở, để trẻ có cơ hội vừa học vừa chơi, được tham gia các hoạt động, trò chơi bổ ích khác nhau. Từ đó, giúp trẻ tự tin, hứng thú, khám phá, sáng tạo và trải nghiệm, phát triển cảm xúc tích cực cho trẻ.
Bà Trần Thị Tuyết Hằng, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Đồng Phú cho biết: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” là một trong những tiêu chí quan trọng mà tất cả trường học đều đang hướng đến. Để thực hiện được tiêu chí này thì trường học đó phải là một ngôi trường hạnh phúc. Trường học hạnh phúc nói chung, lớp học hạnh phúc nói riêng là nơi trẻ được yêu thương, được an toàn và được tôn trọng. Giáo viên ngoài cung cấp kiến thức, giáo dục trẻ thì cần phải tôn trọng sự khác biệt của trẻ, chúng ta không áp đặt trẻ này giống trẻ khác.
Một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng “trường mầm non hạnh phúc” đó là các trường đã phát huy được vai trò của phụ huynh trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Sự đồng hành của phụ huynh không chỉ thể hiện qua việc hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi mà còn ở rất nhiều hoạt động trải nghiệm khác như: cùng trẻ tham gia hội thi “Bé với an toàn giao thông”; cùng trẻ trải nghiệm tết cổ truyền; cùng nhà trường tổ chức những bữa tiệc buffet cho trẻ...
Đến nay, huyện Đồng Phú có 7 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 87,6% giáo viên trình độ đạt chuẩn, trong đó 67,5% trên chuẩn. Nhiều năm liền các trường không xảy ra bạo lực học đường, tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm. Kết quả học kỳ 1 năm học 2023-2024, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi ở các trường đều dưới 0,5%; trẻ thừa cân, béo phì dưới 1,43%. Rõ ràng việc xây dựng trường học hạnh phúc đã mang đến cho trẻ một môi trường an toàn, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/155416/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc