Xây dựng trường học hạnh phúc: Đừng chỉ là khẩu hiệu!
Theo các chuyên gia, nếu nhà trường, giáo viên vẫn duy trì lối dạy học 'quyền uy' thì còn nhiều bi kịch xảy ra trong nhà trường mà nạn nhân đầu tiên chính là những học trò đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Sự giãy chết của lối dạy học “quyền uy”
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đã là khẩu hiệu của ngành giáo dục trong nhiều năm. Từ khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên nắm quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông đã phát động phong trào xây dựng trường học hạnh phúc với mong muốn để giáo viên, học sinh tất cả được hạnh phúc khi đến trường.
Cũng trong nhiều năm qua, nhiều tư tưởng, triết lý giáo dục, phương pháp dạy học hiện đại, tiến bộ, nhân văn đã được cố gắng đưa vào các trường học mang theo kỳ vọng sẽ xóa đi lối dạy học quyền uy, ép buộc. Tuy nhiên, vụ việc học sinh Y. ở trường THPT Vĩnh Xương, An Giang tự vẫn sau khi nhận các hình thức kỷ luật của nhà trường đã bộc lộ hết thảy những yếu kém, nhược điểm của trường học tồn tại bấy lâu nay. Các tư tưởng đổi mới, cải cách trong toàn ngành giáo dục mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Bởi, không một tinh thần đổi mới giáo dục nào được nhận thấy trong câu chuyện em Y. bị kỷ luật.
Bình luận về vấn đề này, anh Đỗ Ngọc Thanh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, việc bêu tên học sinh trước toàn trường là sai, điều này đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của học sinh.
Lối dạy học lấy kỷ luật, ép buộc, một chiều, quyền uy như vậy đã không còn phù hợp với giáo dục. Không hiểu sao nhà trường, Hiệu trưởng đến giáo viên chủ nhiệm ở trường THPT Vĩnh Xương lại không chịu thay đổi, vẫn bảo lưu lối dạy học vốn đã quá lỗi thời này.
Trong nhiều năm trở lại đây, toàn ngành giáo dục đang đổi mới để phù hợp hơn với những tiến bộ của thời đại nhưng câu chuyện nhà trường, giáo viên bạo hành học sinh, cư xử thiếu văn minh vẫn xảy ra nhiều nơi. Trước đây, vụ giáo viên chỉ đạo học trò tát bạn 231 cái ở Quảng Bình hay sự vụ giáo viên “quyền lực” lên lớp không giảng bài tại TP. Hồ Chí Minh đã là những hồi chuông cảnh tỉnh để mọi giáo viên, nhà trường nhận thức được việc cần thiết phải thay đổi. Nhưng câu chuyện học sinh Y. ở trường THPT Vĩnh Xương, An Giang tự vẫn vì bị kỷ luật, ép đi học thêm một lần nữa cho thấy cách dạy học quyền uy vẫn tồn tại nặng nề như một lực cản cho sự đi lên của ngành giáo dục.
Chị Nguyễn Minh Thu ở Hà Đông, Hà Nội đặt vấn đề, mô hình trường học hạnh phúc mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát động nhiều năm nay liệu có đi vào đến từng trường học? Ở bậc THPT, giáo viên là những người có trình độ cao mà còn để xảy ra những chuyện như vậy thì các cấp học thấp hơn sẽ còn như thế nào?
Bình luận xung quanh câu chuyện học sinh Y. tự vẫn vì những sức ép đến từ nhà trường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong vụ việc này nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã sai. Hiện giáo dục nặng về quyền uy, nặng về nhồi nhét kiến thức mà không chú ý đến phát triển con người tồn tại rất lâu trong giáo dục. Trong khi đó, giáo dục lại xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới. Để tháo gỡ những vấn đề trong nhà trường cần có quy chế, cách làm mới chứ không thể mang kinh nghiệm làm giáo dục như xưa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, các vấn đề liên quan đến đổi mới giáo dục, thay đổi cách dạy học đã được cập nhật thường xuyên nhưng vụ việc này chứng tỏ, Ban Giám hiệu trường THPT Vĩnh Xương không chịu tiếp nhận, giáo viên không thực hiện theo các yêu cầu đổi mới. Ứng xử của giáo viên chủ nhiệm cũng cho thấy họ không được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ. Tất cả hệ thống tại trường học này đang làm theo kinh nghiệm, thực hiện theo mong muốn của thầy cô mà không chú ý đến những bước đi đổi mới của toàn ngành giáo dục.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm đánh giá: “Toàn ngành Giáo dục đang xây dựng trường học hạnh phúc nhưng trong vụ việc này các thầy cô trong trường đã không chú ý đến cảm xúc, đến nhận thức của học sinh. Nhà trường, giáo viên chỉ căn cứ vào cảm xúc, mong muốn của họ mà quên đi những mong muốn thiết thực của học trò.
Họ đã áp dụng các hình thức kỷ luật, những lời lẽ, thủ đoạn, cách làm để phỉ báng, kỷ luật, chê bai học sinh một cách dồn dập, phi giáo dục. Chính những điều đó khiến trẻ mất niềm tin và có hành vi tiêu cực”.
Giáo viên không chịu thay đổi: Nên đào thải
Dạy học theo lối “quyền uy” đã không còn phù hợp với thời đại, xây dựng trường hạnh phúc là một xu thế tất yếu. Để xây dựng trường học tiến bộ này, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trước hết người giáo viên phải tự thay đổi bản thân.
Vụ việc học sinh Y. trường THPT Vĩnh Xương, Long An tự vẫn đã báo hiệu cho sự lạc hậu, lỗi thời của lối dạy học quyền uy, hà khắc (ảnh minh họa).
Giáo viên phải quan tâm đến tâm lý, tình cảm, tư tưởng, điều kiện, hoàn cảnh sống của từng học trò. Không phải học sinh đến lớp học là xong mà cần quan tâm đến trạng thái, cảm xúc của các em để giúp học sinh phát triển. Nhà trường, giáo viên phải gắn bó với học sinh, chịu khó lắng nghe, quan sát các em từ hoàn cảnh gia đình, cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng từ đó đưa ra đường hướng, phương hướng giáo dục phù hợp.
“Giáo viên phải có phương pháp giáo dục phù hợp với từng học sinh chứ không phải có gì dạy đó. Giáo dục phải xuất phát từ học sinh chứ không phải đưa ra chương trình giáo dục để đạt mục tiêu của giáo viên và nhà trường” - thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, công tác quản lý giáo dục của nhà trường cũng phải thay đổi, phải xây dựng có hiệu quả chương trình cho toàn nhà trường và đến mỗi lớp học. Đặt quyền lợi học sinh lên trước, quan tâm đến quyền lợi, mong muốn của từng em. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm: “Trong vụ việc học sinh Y. tự vẫn ở trường THPT Vĩnh Xương thì nhà trường tổ chức dạy thêm, lấy động cơ để học sinh tốt hơn, giỏi hơn nhưng lại cào bằng tất cả, không theo đúng nhu cầu của từng em.
Đây là cách quản lý thiếu dân chủ, không lắng nghe học sinh, bất chấp cảm xúc, nguyện vọng của từng em. Việc chỉ chăm chăm mục tiêu có học sinh đi học, đóng tiền… quản lý như vậy là sơ hở, không theo quy luật nào”.
Do đó, theo chuyên gia này: “Để có môi trường giáo dục thân thiện, nhà trường hạnh phúc thì đặc biệt nhà trường phải có dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Học sinh đến trường phải được tạo điều kiện phát triển, được vui vẻ, hạnh phúc”.
Ngoài ra, nhà trường cần thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật. Hiện không có cơ sở pháp lý nào cho việc dạy thêm bắt người không học cũng đóng tiền. “Đây là cách làm bừa theo kinh nghiệm, mong muốn của thầy cô” - thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo nhiều chuyên gia, trường học hạnh phúc là đáp ứng nhu cầu chính đáng của học sinh, tổ chức hoạt động giáo dục bổ ích, làm cho học sinh phát triển để mỗi em cảm thấy có hạnh phúc. Mỗi trường có cách tổ chức, bước đi tùy theo điều kiện hoàn cảnh nhưng cần xây dựng từ từng lớp học hạnh phúc thì mới có trường học hạnh phúc. Mối quan hệ giữa học sinh với học sinh trong nhà trường phải đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Trong vụ việc em Y. tự vẫn, các chuyên gia đánh giá lỗi lớn nhất thuộc về Hiệu trưởng. Do không nhận thức được đổi mới giáo dục nên đã tổ chức giáo dục theo lối mòn, đường cũ. Với cách quản trị nhà trường như vậy thì làm sao có trường học hạnh phúc. Người Hiệu trưởng phải là người thông minh, tâm huyết để giúp đỡ giáo viên chủ nhiệm quan tâm đến từng lớp. Hiệu trưởng phải sớm từ bỏ lối quản trị quyền uy, quát nạt, kỷ luật hà khắc thì lúc đó nhà trường mới thực sự thay đổi.
Qua trao đổi với các chuyên gia cho thấy lối dạy học “quyền uy” vẫn còn tồn tại là do sự thiếu đổi mới từ giáo viên, nhà trường. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của học sinh thì những thầy cô nào ngại thay đổi, vẫn bảo thủ cách làm, cách dạy cũ thì nên đào thải.