Xây dựng trường học hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ
Ngày 31/3, Hội thảo chuyên đề 'Xây dựng trường học hạnh phúc, trường học theo hướng tổ chức biết học hỏi' đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La tổ chức.
Hơn 300 đại biểu thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên cốt cán của các trường có cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Sơn La dự hội thảo.
Các đại biểu đã trao đổi các nội dung: Trường học hạnh phúc - xu thế tất yếu của ngành giáo dục, khung tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc; một số hoạt động cốt lõi làm nền tảng xây dựng trường học hạnh phúc; những ý tưởng cho bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giáo viên - nền tảng xây dựng trường học hạnh phúc; xây dựng trường học theo hướng tổ chức biết học hỏi.
Trường học không chỉ là nơi truyền dạy kiến thức mà đó còn là nơi nuôi dưỡng và truyền tải cảm xúc tích cực. Xây dựng trường học hạnh phúc chỉ thành công khi tất cả mọi thành viên trong nhà trường đều hiểu được giá trị, tầm quan trọng cũng như xác định rõ những việc làm, những kỹ năng xây dựng trường học hạnh phúc.
Đó là, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, xây dựng mối quan hệ và môi trường sống tích cực; đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá thể trong nhà trường, các mối quan hệ tốt đẹp… trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau; đồng cảm, yêu thương và chia sẻ; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy tạo tinh thần học tập vui vẻ, lôi cuốn trong từng bài giảng, tạo cơ hội cho học sinh được sáng tạo ở môi trường gắn kết với nhau; làm cho mỗi thành viên trong nhà trường có cơ hội được thể hiện, khẳng định và công nhận giá trị của bản thân.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai xây dựng trường học hạnh phúc, xây dựng trường học theo hướng tổ chức biết học hỏi tại đơn vị.
Qua Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động giáo dục trong các Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, tạo cơ hội để cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực trong các nhà trường.
Qua đó, cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong các Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đảm bảo phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục; tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh, góp phần xây dựng nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Triển khai trường học hạnh phúc là chủ trương được Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam triển khai từ năm 2019. Đến thời điểm hiện tại tất cả các trường học đã là những trường học hạnh phúc, các thầy cô giáo đã rất nỗ lực nhằm cải thiện bầu không khí học tập trong mỗi ngôi trường, lớp học để an toàn hơn hoặc sự tương tác giữa thầy cô giáo và học sinh ngày càng thân thiết hơn, là những hạt mầm cho trường học hạnh phúc.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, tại tỉnh Sơn La có nhiều điều có thể khiến trường học trở nên hạnh phúc hơn, như các ý tưởng tạo ra sự đón tiếp bằng những lời chào mỗi ngày tạo nên sự hứng thú, gần gũi khi các em đến trường. Hoặc có các diễn đàn để các em thể hiện được những tài năng, các hoạt động để các em có thể tranh biện, thể hiện tư tưởng, óc sáng tạo. Hay như các hoạt động văn hóa, văn nghệ đang là thế mạnh của Sơn La, có thể đưa vào trong những chương trình tại nhà trường giúp các em có thể kết nối tri thức với cuộc sống; hoặc giúp các em định hướng nghề nghiệp theo sở thích, sở trường và phù hợp với đặc điểm của địa phương trong tương lai… Đó là những ý tưởng cơ bản để làm cho trường học trở nên hạnh phúc hơn.