Xây dựng trường học không khói thuốc: Để người học được phát triển toàn diện
Học sinh, sinh viên là nhóm đang trong quá trình phát triển thể chất, tinh thần nên rất nhạy cảm với khói thuốc.

Sinh viên Trường Đại học Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) truyền tải thông điệp “Nói không với thuốc lá”. Ảnh: NT
Nếu thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi...
Hiểm họa từ khói thuốc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khói thuốc có khoảng 4.000 chất hóa học, trong đó 40 chất được xếp vào loại gây ung thư như nicotin, oxide carbon, hắc ín và benzene, formaldehyde, ammonia, acetone, arsenic, hydrogen cyanide…
“Người hút thuốc không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi chỉ cần hít phải khói và hơi thuốc lá của người hút thuốc phả ra cũng có thể gây bệnh cho người xung quanh. Đó chính là nguy cơ phơi nhiễm với sức khỏe của người không hút thuốc”, TS.BS Vi Trần Doanh - Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết.
Theo ông Doanh, hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư từ 20 - 30%. Ngoài ung thư phổi, người hút thuốc lá thụ động còn đối diện nguy cơ mắc ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh xơ vữa động mạch ngoại vi, động mạch vành và liên quan đến vấn đề sinh đẻ….
Các nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá cao hơn khoảng 25 - 30%, đặc biệt ở trẻ em, phơi nhiễm khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi...

Ảnh minh họa INT.
Xây dựng môi trường an toàn
Tham gia nhiều dự án, chương trình tuyên truyền về việc nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học, Hoàng Mai Chi - sinh viên K54D, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Là sinh viên ngành Y, em hiểu rõ những tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử. Bản thân trong quá trình học cũng như tham gia thực tập tại các bệnh viện chứng kiến nhiều thanh niên, học sinh tuổi đời rất trẻ nhưng mắc các bệnh hiểm nghèo.
Trong số đó, nhiều bạn có tiền sử hút thuốc lá. Hiểu và chứng kiến những câu chuyện đau lòng đó, em luôn nhắc nhở bạn bè, người thân phải tránh xa thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh cũng như bảo vệ môi trường sống”.
Theo Chi, trường học là ngôi nhà thứ hai, nơi học sinh, sinh viên dành phần lớn thời gian mỗi ngày, do vậy cần xây dựng môi trường lành mạnh để an tâm học tập, rèn luyện. Không chỉ vậy, trong môi trường không khói thuốc, mỗi học sinh, sinh viên sẽ nâng cao được ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và những người xung quanh.
Còn theo ThS Hà Thế Duy - giảng viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên), sinh viên, học sinh là nhóm đang trong quá trình phát triển thể chất, tinh thần nên rất nhạy cảm với khói thuốc. Bởi vậy, chúng ta cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không khói thuốc để các em yên tâm học tập, trưởng thành.
“Nếu các em sinh sống, học tập trong môi trường chứa khói thuốc lá có thể dễ gây ra các bệnh lý như: Viêm phế quản, hen suyễn, giảm khả năng tập trung trong học tập. Không chỉ vậy, khói thuốc còn gây ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị của một môi trường giáo dục lành mạnh, làm giảm hiệu quả giảng dạy và học tập”, ThS Hà Thế Duy nhấn mạnh.
Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó hút thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong. Mặc dù tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm đáng kể trong thời gian qua, nhưng hút thuốc lá thụ động vẫn là nguyên nhân gây ra khoảng 18.800 ca tử vong.