Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
Thay vì dạy một chiều theo kiểu 'cô nói, trẻ nghe', với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên phải tạo ra các điều kiện, cơ hội để trẻ chủ động khám phá, sáng tạo và hoạt động. Chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016 - 2020' đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực đó.
Tạo môi trường cho trẻ khám phá
Được biết đến là trường có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, Trường Mầm non Hương Sen (TP. Nha Trang) đã có nhiều giải pháp xây dựng môi trường bên ngoài lớp học ngày càng đa dạng, phong phú. Theo cô Đinh Thị Nhật Trinh - Hiệu trưởng nhà trường, với lợi thế diện tích sân chơi của trẻ hơn 3.000m2, nhà trường đã xây dựng các góc chơi mới, cải tạo, bố trí sắp xếp đồ chơi nhằm giúp giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục mọi lúc, mọi nơi như: Góc chơi khám phá âm thanh, góc bé tập làm họa sĩ, khu vui chơi nước, cát, sỏi, khu vực khám phá cây xanh, con vật, vườn cổ tích... Ngoài ra, từ năm 2016, trường được UBND TP. Nha Trang đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây thêm 2 phòng học, bổ sung đồ dùng, đồ chơi, thiết bị vận động, làm mới sân trường... Qua 5 năm triển khai chuyên đề nói trên, diện mạo trường đã có những đổi thay đáng kể. Khuôn viên ngoài lớp học được bao phủ bởi cây xanh, thảm cỏ, hoa nở quanh năm, đồ chơi phong phú, tạo điều kiện cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên, tự do khám phá và phát triển vận động.
Khánh Hòa là 1 trong 7 tỉnh thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 5 năm qua, tổng kinh phí thực hiện chuyên đề là 518 tỷ đồng, trong đó xây dựng, cải tạo trường, lớp, sân vườn hơn 466 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hơn 49 tỷ đồng… Đến nay, tất cả 206 trường mầm non trên địa bàn tỉnh đều thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” (164 trường công lập, 42 trường tư thục), trong đó có 55 trường thực hiện điểm (2 trường cấp tỉnh và 53 trường cấp huyện).
Trường Mầm non Hoa Mai (TP. Cam Ranh) cũng chú trọng xây dựng môi trường giáo dục hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ hứng thú, thích đến trường, chủ động tham gia các hoạt động. Trong lớp, các góc chơi được thiết kế sinh động, đồ dùng, đồ chơi được thay đổi, bổ sung thường xuyên, trong đó có nhiều sản phẩm do cô và cháu cùng làm. Ở ngoài lớp học, các khu phát triển vận động, khu vui chơi với cát, nước, sỏi, khu vực nuôi con vật, vườn rau của bé, khu chợ quê, vườn cổ tích... cũng được bố trí hợp lý. Cô Hồ Thị Gái - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường thường xuyên tổ chức các hội thi, chương trình giao lưu, cho bé “tập làm nội trợ”… để trẻ trải nghiệm, tạo cơ hội cho gia đình và cộng đồng cùng tham gia các hoạt động của nhà trường.
Tại Trường Mầm non Diên Sơn (huyện Diên Khánh), trẻ cũng được tạo điều kiện để “học bằng chơi - chơi mà học” với các hoạt động: Thăm vườn rau, vườn hoa trong trường làm các thí nghiệm vui, tham quan, trải nghiệm thực tế tại Viện Hải dương học, doanh trại bộ đội, Văn miếu Diên Khánh… Cô Lê Thị Diễm - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc chuẩn bị địa điểm an toàn, đồ dùng, đồ chơi hấp dẫn, giáo viên đã thiết kế các hoạt động linh hoạt, tìm cách khơi gợi để trẻ quan sát, suy nghĩ, tương tác với nhau, đồng thời luôn lắng nghe, động viên trẻ và kịp thời xử lý các tình huống.
Thay đổi tích cực
Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, qua 5 năm thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, các trường đã có những thay đổi tích cực. Việc đầu tư cơ sở vật chất đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo của các trường, trang thiết bị dạy học được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ. Vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, năng lực dạy học của giáo viên được nâng lên. Nhiều giáo viên đã sáng tạo, chủ động trong việc lập kế hoạch dạy học, lựa chọn chủ đề, tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động học và chơi phù hợp với đặc điểm của trẻ và thực tế ở trường, lớp. Cha mẹ học sinh cũng phối hợp tốt hơn với nhà trường trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ…
Để chuyên đề phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, gắn kết giữa giáo dục phát triển nhận thức với giáo dục kỹ năng sống. Bên cạnh đó, các trường cần duy trì tốt phong trào làm đồ dùng, đồ chơi, tăng cường cơ sở vật chất để phát triển môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động. Ngành sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các trường, trong đó ưu tiên vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn...
H.NGÂN