Xây dựng Tuy An thành đô thị mở đa cực
Nét độc đáo của gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) luôn thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: MINH CHÂU
Quy hoạch chung xây dựng đô thị Tuy An năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 do UBND huyện Tuy An làm chủ đầu tư vừa được thẩm định. Đồ án đang được khẩn trương hoàn chỉnh trình duyệt, là cơ sở để đầu tư và là bước quan trọng để đến năm 2025, huyện Tuy An phát triển thành thị xã, đô thị loại IV.
Điều kiện tự nhiên
Tuy An là huyện lớn của Phú Yên, với dân số gần 13.000 người. Theo quy hoạch đến năm 2025, địa phương này có 14.000 người và năm 2035 khoảng 17.000 người, với diện tích tự nhiên 408km2. Tuy An có 14 xã và 1 thị trấn huyện lỵ, có núi rừng, đồng bằng và biển đảo, với các phương tiện giao thông đối ngoại sắt, thủy, bộ đi qua. Trong tương lai, địa phương này còn có đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Địa phương này có mối quan hệ vùng, phía bắc giáp TX Sông Cầu và huyện Đồng Xuân, phía nam giáp TP Tuy Hòa, phía tây là vùng núi rộng lớn, có cao nguyên Vân Hòa xinh đẹp. Với 42km bờ biển, còn hoang sơ, nhiều đảo, đầm vịnh đẹp nổi tiếng như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, đảo Hòn Yến… Tuy An nằm trong chuỗi đô thị biển Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa và Đông Hòa - là một đô thị hướng biển, đô thị du lịch, nghỉ dưỡng biển.
Tuy An có mật độ di sản khá phong phú, với trên 50 di sản các loại, trong đó có 8 di sản cấp quốc gia; có di sản văn hóa phi vật thể với nhiều lễ hội, làng nghề, làng biển rất phong phú, từ rừng núi thấp đến bờ biển, đầm vịnh, biển đảo… ở đâu cũng có cảnh quan còn hoang sơ và khá đẹp. Địa phương này rất thuận lợi để phát triển kinh tế, có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau cho TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu cùng phát triển, với dịch vụ công, nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy An còn là đầu mối giao thông, nơi trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa đường sắt và đường bộ (ga Hòa Đa), có hệ thống giao thông đối ngoại khá thuận lợi.
Từ những điều kiện tự nhiên và xã hội nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng tính chất của đô thị Tuy An là biển - di sản - cảnh quan và dịch vụ phức hợp.
Hình thái đô thị đa cực
Theo quy hoạch, đô thị Tuy An phát triển mở đa cực, theo hướng bắc - nam với hai trục giao thông chính là quốc lộ 1 và đường động lực biển ĐT649, lấy công viên đầm Ô Loan là trung tâm. Khi Tuy An phát triển lên thị xã (năm 2025) sẽ có 10 xã, phường nội thị và 4 xã ở vùng núi phía tây ngoại thị. Đô thị được quy hoạch làm 4 tiểu vùng có tính chất, hình thái đô thị phát triển khác nhau. Trong đó, tiểu vùng 1 dọc quốc lộ 1 từ đèo Quán Cau đến đô thị Sông Cầu, lấy thị trấn Chí Thạnh là phường trung tâm; với tính chất đô thị là trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm tài chính, ngân hàng, văn hóa của toàn đô thị Tuy An. Khu trung tâm với viễn cảnh là “đô thị nén” có mật độ xây dựng và cư trú cao; khu vực bên ngoài là nhà vườn, gắn liền với cảnh quan núi đồi, đầm vịnh. Hai bên sông Hà Yến (sông Phường Lụa) thấp trũng thường bị ngập lụt, có giải pháp quy hoạch thích hợp để hạn chế ngập lụt.
Về giao thông cần giải quyết tốt mối quan hệ nhà ga Chí Thạnh với đô thị; trong tương lai xa có cầu cảnh quan Ô Thước bắc qua đầm Ô Loan, kết nối bờ đông và bờ tây đầm Ô Loan xinh đẹp.
Tiểu vùng 2 từ đèo Quán Cau vào đến TP Tuy Hòa, lấy trung tâm là ngã tư giao giữa quốc lộ 1 với ĐT643 (ngã tư Hòa Đa). Tính chất đô thị là đô thị khu công nghiệp, kho tàng, bến bãi; là khu trung chuyển hàng hóa đường bộ và đường sắt (ga Hòa Đa); là khu dịch vụ phức hợp. Về công nghiệp chủ yếu chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp có sử dụng nhiều lao động. Hình thái kiến trúc khu nhà ở trung tâm là nhà liền kề, nhà chung cư, nhằm tiết kiệm đất ở.
Tiểu khu 3 dọc theo bờ biển có chiều dài 42km từ cửa biển Bình Bá vào đến cửa sông Đồng Nai, với tính chất đô thị là khu động lực kinh tế biển,với ĐT649 là trục chính, trục cảnh quan. Trong quy hoạch chỉnh lại tuyến đường, đầu phía Nam đấu nối với đường Lê Duẩn (TP Tuy Hòa), chạy qua đô thị Tuy An, qua cầu Bình Bá đấu nối với đô thị Sông Cầu; đường có mặt cắt ngang rộng và thống nhất cho toàn tuyến.
Các dự án đầu tư vào khu vực này cần phong phú, ngoài các dự án du lịch nghỉ dưỡng cần nhiều lĩnh vực khác tham gia như văn hóa nghệ thuật, giáo dục, thể thao. Nơi đây có thể xây dựng một phim trường lớn, một tổ hợp thể thao với quy mô tầm quốc gia… Về quy hoạch tạo ra các trung tâm là các phường, không xây dựng khép kín toàn bộ bờ biển, có khoảng mở để đưa gió biển vào lòng đô thị. Về giao thông đường thủy, ngoài cảng Tiên Châu cần xây dựng thêm một cảng tổng hợp tại cửa biển Tân Quy, là cửa biển nhằm cải tạo nguồn nước đầm Ô Loan, nơi tàu thuyền tránh trú bão, là bến cảng du lịch biển cho đô thị Tuy An. Viễn cảnh nhà ở đô thị khu vực này là nhà ở thấp tầng, nhà vườn, có mật độ xây dựng thấp, gắn liền với kinh tế làng biển, làng nghề truyền thống.
Tiểu vùng 4 là các xã ngoại thị phía tây, với tính chất là đô thị xanh, đô thị nông, lâm nghiệp; các trung tâm xã hiện nay xây dựng các công trình công cộng phúc lợi xã hội như trụ sở UBND xã, chợ, trường học, bệnh xá, nhà văn hóa... Nhà ở quy hoạch dọc theo các đường, dạng đô thị chuỗi; phía trước là nhà ở, phía sau là vườn đồi, trang trại.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Tuy An được lập lần đầu, từ một huyện lớn, thuần nông phát triển lên thị xã, đô thị loại IV. Đây là bước khởi đầu rất quan trọng, là tiền đề cho đầu tư ngắn hạn và là định hướng phát triển đô thị Tuy An trong tương lai...
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/266945/xay-dung-tuy-an-thanh-do-thi-mo-da-cuc.html