Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ( Bài 1)

>>> Bài 1: Từ nhân dân mà ra…

80 năm trước, với tầm nhìn chiến lược của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được thành lập và ngày 22-12 hàng năm được lấy làm Ngày thành lập QĐND Việt Nam…

Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1944. Ảnh: Tư liệu

Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1944. Ảnh: Tư liệu

Suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, QĐND Việt Nam luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

* Chặng đường vẻ vang

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn” của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống “Quyết chiến quyết thắng” của QĐND Việt Nam sau này.

Ngày 15-5-1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

LLVT Đồng Nai đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng xứng đáng như: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc… Nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cùng nhiều phần thưởng cao quý…

Từ đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, QĐND Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng Trần Hoài Trung (thứ 3 từ trái qua), Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 thăm, tặng quà động viên bộ đội giúp dân chống dịch tại khu cách ly Trường trung học phổ thông Trấn Biên, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Nam Anh

Trung tướng Trần Hoài Trung (thứ 3 từ trái qua), Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 thăm, tặng quà động viên bộ đội giúp dân chống dịch tại khu cách ly Trường trung học phổ thông Trấn Biên, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Nam Anh

Cùng hòa nhịp với đội quân cách mạng của dân tộc, cách mạng tháng Tám thành công, ngày 15-5-1946, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh được thành lập, nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân nổi dậy kháng chiến, bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám. Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, LLVT tỉnh đã góp phần cùng quân chủ lực mở toang “cánh cửa thép” phía Đông Xuân Lộc, tiến về đập tan yếu khu Trảng Bom, cùng quân dân ta tấn công mạnh mẽ trên hướng Đông Nam tạo đà cho quân ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một dải, bảo vệ toàn vẹn độc lập của Tổ quốc.

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lân (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) cho hay, chứng kiến sự phát triển của tỉnh trong những năm gần đây có thể khẳng định, thành quả Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cùng truyền thống anh hùng đã và đang được các thế hệ cán bộ chiến sĩ (CBCS) LLVT tỉnh kế thừa xứng đáng, phát huy và tô thắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội, của dân tộc và quê hương Đồng Nai anh hùng.

* Chiến công vang dội

Điểm lại những chiến công to lớn, vang dội của QĐND Việt Nam và LLVT Đồng Nai cho thấy, từ nhân dân mà ra, quân đội ta luôn thực hiện tốt các chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.

Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, đội quân ấy đã thấm nhuần mục đích, lý tưởng cao đẹp “chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân”. Truyền thống đó đặc biệt được phát huy và giành những chiến công, thành tích vang dội, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và tiếp tục 21 năm trường kỳ gian khổ, đánh bại hoàn toàn âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được ví như những “Đống Đa, Bạch Đằng, Chi Lăng” của thế kỷ XX, kết thúc 30 năm trường kỳ kháng chiến, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.

Đối với LLVT Đồng Nai, những trận đánh làm nên chiến thắng như: La Ngà 1-3-1948 đã gây tiếng vang lớn trong lịch sử; khai sinh ra lối đánh đặc công và hình thành Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của QĐND Việt Nam anh hùng cùng ngày truyền thống 19-3: Binh chủng Đặc công.

Sau chiến thắng La Ngà vang dội, ngày 20-7-1951, bộ đội tỉnh Thủ Biên tiến công diệt Yếu khu Trảng Bom- căn cứ quân sự của thực dân Pháp cách thị xã Biên Hòa 20km. Trận đánh đã gây tiếng vang lớn, làm cho địch sa sút tinh thần; cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu trang của quân và dân Biên Hòa; phá bàn đạp tấn công địch vào chiến khu Đ, làm chủ quốc lộ 1 từ Trảng Bom đến Biên Hòa. Thắng lợi còn có ý nghĩa lớn trong việc nối liền hành lang liên lạc của ta từ chiến khu Đ về Long Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu…

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, LLVT Đồng Nai đã cùng các đơn vị chủ lực đã đấu tranh làm nên nhiều trận đánh vang dội, góp phần vào thành tích kháng chiến chống đế quốc Mỹ và làm phá sản chiến lược thực dân kiểu mới của chúng. Trong đó, trận phá ngục tại Nhà lao Tân Hiệp vào 2-12-1956 là một điển hình của sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.

Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tỉnh-một trong những nhân chứng trực tiếp tham gia trận phá ngục cho hay, phá khám Tân Hiệp thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của quân và dân Biên Hòa-Đồng Nai. Thắng lợi này đã thể hiện rõ bản chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường của người cộng sản, yêu nước như “ngọc trong đá”.

Đó còn là trận tập kích vào đoàn cố vấn quân sự của Mỹ ở Biên Hòa vào ngày 7-7-1959 do Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức lãnh đạo. Hai cố vấn quân sự Mỹ đã chết trận tại di tích Nhà Xanh (trong khuôn viên của Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai hiện nay)- đây cũng là trận đánh Mỹ đầu tiên của lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam. Hai cố vấn Mỹ chết trận cũng là 2 quân nhân Mỹ đầu tiên bỏ mạng ở Việt Nam…

Tiếp đó là chiến thắng Sân bay Biên Hòa ngày 31-10-1964 đã thực sự “lay lầu trắng” để 8 năm sau một “Điện Biên Mỹ chẳng phải chờ lâu”. Về sự kiện này, Đoàn Pháo binh Miền- tiền thân Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7 ngày nay) được tặng danh hiệu đầu tiên cấp Sư đoàn với tên gọi Đoàn Pháo binh Biên Hòa. Theo chỉ huy lữ đoàn 75 thì đây là cách gọi để tuyên dương lối đánh độc lập, táo bạo, độc đáo của pháo “tép”, loại pháo nhỏ nhưng đạt hiệu quả cao, gây thiệt hại lớn cho địch tại Sân bay Biên Hòa. Trận đánh khiến cựu Tổng thống Mỹ Giôn Xơn phải thốt lên: “Đây là trận Trân Châu Cảng lớn thứ hai của Mỹ”…

Nói về những chiến công vang dội của QĐND Việt Nam và LLVT tỉnh, thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhìn nhận, điểm khác biệt lớn nhất của QĐND Việt Nam với quân đội các nước chỉ có chức năng chiến đấu. Còn quân đội ta được Bác Hồ xác định sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà sẵn sàng chiến đấu, hy sinh nên có 3 chức năng cơ bản là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất…

Lời dạy của Người vừa kế thừa đúng đắn học thuyết Mác-Lê-nin về xây dựng quân đội của giai cấp công nhân, vừa kế thừa những giá trị truyền thống nhân văn, nhân nghĩa của cha ông ta trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính điều này, đã tạo sức mạnh vô địch cho QĐND Việt Nam chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai…

Nam Anh

Bài 2: Nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/xay-dung-va-bao-ve-vung-chac-to-quoc-9426410/