Xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang lần thứ XV (nhiệm kỳ 2024 – 2029)
BHG - Đồng hành cùng hệ thống chính trị và nhân dân, trong những năm qua, MTTQ tỉnh đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập hợp, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên và mọi tầng lớp nhân dân trong phát triển KT - XH, xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; thực hiện dân chủ, tham gia giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền. Qua đó, góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH, giữ vững QP - AN của tỉnh, của đất nước; nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Với phương châm hoạt động hướng mạnh về cơ sở, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội được MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sôi nổi ở từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Trong cuộc vận động này, Mặt trận các cấp đã chủ động, tích cực vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ các dự án, công trình quan trọng của đất nước và của tỉnh; tích cực tham gia các phong trào thi đua; vận động nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi của cộng đồng. Công tác vận động, xây dựng “Quỹ vì người nghèo” được MTTQ các cấp quan tâm chỉ đạo, nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã huy động được trên 55 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 1.000 căn nhà đại đoàn kết, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh qua các năm.
Việc duy trì tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được MTTQ các cấp phối hợp với các địa phương duy trì tổ chức nền nếp, ngày càng có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân. Hằng năm, 100% khu dân cư trong tỉnh tổ chức ngày hội với các hình thức đa dạng, phong phú, gắn với các lễ hội truyền thống văn hóa ở địa phương. Bên cạnh đó, công tác nắm bắt tình hình nhân dân, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong hệ thống MTTQ các cấp nhiệm kỳ qua đã dần hiệu quả, có chất lượng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện rõ hơn vai trò MTTQ là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm. Cụ thể: Tinh thần chủ động, sáng tạo của hệ thống mặt trận và tính hiệu quả trong các phong trào chưa tới tầm; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận chưa được phát huy thường xuyên đúng mức; công tác phối hợp với các tổ chức thành viên chưa thực sự hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận còn hạn chế; phương thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chưa theo kịp yêu cầu trong tình hình mới...
Tỉnh đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong điều kiện có nhiều thời cơ thuận lợi và cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức; cùng với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì các thế lực thù địch đang lợi dụng một số vấn đề xã hội để đẩy mạnh hoạt động chống phá, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra các mâu thuẫn kích động nhân dân, làm mất ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Trước thực tế đó, tỉnh luôn xác định phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội là điều kiện tiên quyết, nhiệm vụ quan trọng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ các cấp là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như của tỉnh, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với vai trò liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, là cơ sở chính trị của Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp cần làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong nhân dân để kịp thời giải quyết. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, thúc đẩy phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Làm tốt công tác phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên để tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Các cấp ủy, chính quyền cần tạo điều kiện để Mặt trận tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý vào các chương trình hành động, kế hoạch phát triển KT - XH; thực hiện tốt vai trò chủ trì tổ chức nền nếp, có hiệu quả hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn. Quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức mặt trận các cấp và các đoàn thể vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận từ tỉnh đến cơ sở thực sự có nhiệt huyết, trình độ, năng lực, am hiểu thực tiễn; mở rộng các hình thức phát huy dân chủ, tập hợp ý kiến nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hơn thế, cần phát huy ngày càng hiệu quả bài học lớn về trọng dân, gần dân, sát dân, an dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội hướng tới mục tiêu: Đảng nói dân tin; chính quyền làm, dân ủng hộ, mặt trận, đoàn thể vận động dân theo; xứng đáng là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Thực hiện được những vấn đề này, việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.