Xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân

Thực tiễn hiện nay cho thấy, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng đã có bước phát triển lớn mạnh, trưởng thành về chất và có những đóng góp to lớn vào quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đủ sức làm chủ quá trình đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên có không ít thách thức đặt ra cho sự phát triển, lớn mạnh của giai cấp công nhân.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng đã có bước phát triển lớn mạnh, trưởng thành về chất và có những đóng góp to lớn vào quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đủ sức làm chủ quá trình đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên có không ít thách thức đặt ra cho sự phát triển, lớn mạnh của giai cấp công nhân.

Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam tại Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình)

Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam tại Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình)

chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân trẻ có trình độ chuyên môn cao.

Đội ngũ công nhân không ngừng lớn mạnh

Là một trong những doanh nghiệp (DN) của Nhật Bản tiên phong đến với Hòa Bình cách đây hơn 20 năm, Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) đã và đang khẳng định là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành công, đóng góp vào sự phát triển KT - XH chung địa phương. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thấu kính quang học công nghệ cao, hàng năm, DN đóng góp vào thu ngân sách từ 7 – 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 800 công nhân lao động (CNLĐ) với mức lương bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Cap Global tại Khu công nghiệp Lương Sơn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ

Công ty TNHH Cap Global tại Khu công nghiệp Lương Sơn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ

công nhân lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu ước đạt trên 200 tỷ đồng, giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 11,5 triệu USD. Với những thành tựu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, DN đã được khen thưởng, biểu dương và đạt nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam là một trong những doanh nghiệp vinh dự được tiếp đón các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm.

Ông Nguyễn Long, Trưởng phòng Kinh doanh – Xuất nhập khẩu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam cho biết: "Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Ban lãnh đạo Công ty luôn coi người lao động (NLĐ) là vốn quý. Chính vì vậy, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) luôn được tạo điều kiện làm việc trong môi trường tốt nhất, thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách để yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ giúp DN phát triển bền vững. Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ then chốt quyết định đến sự phát triển của DN, đội ngũ CNLĐ đã được đào tạo chuyên môn bài bản, cử tham gia các lớp tập huấn tại nước ngoài để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra”.

Đội ngũ CNLĐ trong tỉnh tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức. Đội ngũ công nhân trẻ, dồi dào, có tác phong công nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, năng suất lao động.

Theo thống kê năm 2023, toàn tỉnh có 4.482 DN ngoài khu vực Nhà nước đóng góp gần 70% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho trên 83.000 NLĐ (tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó các DN thu hút và giải quyết việc làm thêm gần 2.100 lao động mới. Thu nhập bình quân của CNLĐ trong DN đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng.

Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần gặp nhiều khó khăn

Trong những năm qua, Công đoàn các cấp tỉnh Hòa Bình đã phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong các DN nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ yên tâm công tác, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, DN lao đao trước suy thoái kinh tế toàn cầu ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống của CNLĐ. Theo thống kê năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ với trên 1.300 lượt CNLĐ đình công, tự ý ngừng việc tập thể để kiến nghị với DN về tiền lương, thưởng và các chế độ, chính sách đối với NLĐ, tập trung chủ yếu tại địa bàn có đông NLĐ làm việc thuộc huyện Lương Sơn, Lạc Sơn. Tính đến ngày 31/5/2024, toàn tỉnh có 337 đơn vị, DN chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 67,5 tỷ đồng. Có 1 DN có tổ chức công đoàn nợ lương, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ. Thực tế đó tại các DN đã ảnh hưởng tới tâm lý, gây bức xúc trong CNLĐ và dẫn tới tình trạng xung đột lợi ích giữa chủ DN và NLĐ.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, điều kiện kinh tế còn khó khăn, quy mô DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm khoảng 95%. Trong những năm qua, nguồn lực dành cho đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các KCN còn hạn chế. Tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa quy hoạch và đầu tư xây dựng được khu nhà ở cho CNLĐ. Đại đa số NLĐ ở xa đến đây làm việc đều phải tìm thuê nhà với mức giá bình dân. Tuy nhiên tại các khu nhà trọ hoạt động theo hướng tự phát, điều kiện cơ sở hạ tầng không đảm bảo, công tác quản lý CNLĐ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, NLĐ làm việc tại các KCN đều trong độ tuổi sinh đẻ hoặc nuôi con nhỏ. Việc không ổn định về chỗ ở đã gây khó khăn cho NLĐ trong việc đăng ký cho con theo học tại các cơ sở giáo dục. Một số NLĐ buộc phải nghỉ làm để trông con hoặc gửi con về quê để tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình.

Chị Đỗ Thị Ngọc, công nhân Công ty CP CoAsia CM VINA, KCN Lương Sơn cho biết: "Với mức lương dao động từ 5 - 6 triệu đồng hiện nay, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang, đời sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu trong tháng phát sinh các chi phí khác thì gia đình không biết xoay xở như thế nào”.

Một trong những vấn đề khiến NLĐ băn khoăn hiện nay đó là việc chủ các DN thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ CNLĐ. Theo đó tại các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa người sử dụng lao động với NLĐ, phần lớn NLĐ đều kiến nghị chủ DN tăng cường cải thiện môi trường làm việc để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ. Duy trì tổ chức các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NLĐ.

Đồng chí Lê Diệu Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết: "Do tác động của nền kinh tế thế giới nên nhiều DN tại các KCN bị cắt giảm đơn hàng dẫn tới việc NLĐ phải luân phiên nghỉ việc, thu nhập bị giảm. Thực tế đó dẫn tới tình trạng công đoàn cơ sở tại DN hoạt động kém hiệu quả. Các phong trào do Công đoàn các KCN tỉnh tổ chức cũng ảnh hưởng và không thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia”.

Vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp còn mờ nhạt

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh mới có 72 DN thành lập tổ chức Đảng, chiếm tỷ lệ 1,6%; 234 DN thành lập tổ chức Công đoàn, chiếm tỷ lệ 5,2%; 28 DN thành lập tổ chức Đoàn thanh niên, chiếm tỷ lệ 0,6%. DN ngoài khu vực Nhà nước có quy mô nhỏ, NLĐ chủ yếu làm thuê theo thời vụ, hoạt động phân tán, không ổn định. Nhiều DN thua lỗ phải giải thể hoặc ngừng hoạt động; NLĐ mất việc và thiếu việc làm, phải tìm việc làm mới. Thực tế đó cho thấy công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng và đoàn thể trong DN ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Số lượng các tổ chức đảng và các đoàn thể được thành lập trong các DN ngoài khu vực Nhà nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với số lượng DN hiện có.

Qua tìm hiểu tại một số DN đã có tổ chức đảng cho thấy, vai trò lãnh đạo và chất lượng hoạt động của cấp ủy, chi bộ còn hạn chế; mối quan hệ giữa cấp ủy với chủ DN chưa tạo được sự đồng thuận. Do vậy hoạt động của tổ chức đảng gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên ở DN còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động; chất lượng hoạt động chưa hiệu quả, không phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở DN, chưa có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sự phát triển bền vững của DN. Chính vì vậy, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN còn mờ nhạt, dẫn đến quyền lợi chính đáng của CNLĐ chưa được đảm bảo.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: "Quy mô và sự trưởng thành của giai cấp công nhân tỉnh ta những năm gần đây có nhiều sự phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp lớn vào sự phát triển KT - XH địa phương. Để xây dựng đội ngũ CNLĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Công đoàn. Tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của CNLĐ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số. Nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ CNLĐ làm cơ sở xác định mục tiêu hoạt động, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ CNLĐ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Cùng với đó, sự quan tâm của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành chính là động lực giúp đội ngũ NLĐ thi đua học tập, góp phần nâng cao vị thế của giai cấp công nhân trong tiến trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ công nhân lao động

Tống Đức Chiến

Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh

Trước yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, lao động phổ thông sẽ dần mất chỗ đứng. Do đó, tỉnh ta cần quan tâm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề sát với thực tiễn. Chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân thích ứng nhanh, giỏi tay nghề và có tác phong chuyên nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh cần có các chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với ngành nghề được xác định là kinh tế mũi nhọn, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành du lịch… Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền móng vững chắc thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.

Quan tâm đầu tư thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp

Trần Anh Hòa,

Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam

Song song với việc có các chính sách hấp dẫn, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư về ưu đãi việc cho thuê đất, hỗ trợ thủ tục hành chính thì tỉnh cần quan tâm đầu tư thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, như: nhà ở cho công nhân, thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh, siêu thị…

Ngoài ra, doanh nghiệp cần bố trí quỹ đất, nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của công nhân lao động. Từ đó sẽ tạo tâm lý ổn định "an cư, lạc nghiệp”, giúp người lao động yên tâm làm việc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đức Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/278/191188/xay-dung-va-phat-huy-vai-tro-cua-giai-cap-cong-nhan.htm