Xây dựng và phát triển để Hà Nội là thành phố đáng sống, đô thị lịch sử: Hà Nội phải là thành phố đáng sống
Nghìn năm qua, từ thủa Đại La - Thăng Long đến Hà Nội, nơi đây vẫn được coi là 'trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi'. Hà Nội đang có hầu hết mọi lợi thế. Nhưng thành phố này đáng sống đến mức nào?
Hà Nội mở rộng với diện tích lớn và địa hình tự nhiên đa dạng (đồng bằng trù phú, nhiều sông hồ và cả núi, đồi) mang đến nhiều không gian sống khác nhau cho mọi sự lựa chọn. Về lĩnh vực kiến trúc, đây là cơ hội tuyệt vời để các kiến trúc tạo ra nhiều phong cách và hình thái công trình khác nhau.
Quan hệ cộng đồng và kinh tế tạo nên phong cách Hà Nội
Từ xa xưa, Thăng Long là chốn kinh kỳ trên bến dưới thuyền. Ngoài khu cung điện nguy nga của nhà vua và các phủ quan, chúa, thì còn có các thương điếm, cửa hàng và bến thuyền ven sông. Ở vùng ngoại thành là khu Thập Tam Trại với những làng cổ ven đô chủ yếu làm nghề thủ công truyền thống. Với những ngõ nhỏ, nhà nhỏ đan xen trong không gian sống quần cư gắn bó cộng đồng kiểu “tắt lửa tối đèn” có nhau.
Khu 36 phố phường dần được hình thành trong nội đô. Một lối kiến trúc nhà ống chạy dài, ken nhau bám vào mặt phố đã lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Môi trường sống bên trong những ngôi nhà đặc biệt này thực sự rất tệ từ ánh sáng đến vệ sinh môi trường. Thêm những luật lệ về xây dựng của chính quyền phong kiến khiến cho các ngôi nhà phố này không thực sự là nơi đáng sống. Tuy nhiên, không gian tổng thể của cả khu 36 phố phường lại mang lại giá trị kinh tế lớn, tính cộng đồng kiểu làng xóm xưa vẫn được phát huy. Những người dân thôn quê mộc mạc đã dần trở thành dân thị thành kiểu cách và thanh lịch. Sự yên bình trong quan hệ cộng đồng và kinh tế phát triển đã tạo nên “phong cách sống kiểu Hà Nội” bắt nguồn từ đây, thay thế cho kiểu Thăng Long xưa. Dù cư dân đến từ đâu cũng háo hức và dễ dàng hòa nhập rồi gắn bó với không gian “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” của Hà Nội. Khi đó, Hà Nội thực sự là một nơi đáng sống nhất Việt Nam.
Từ khi Pháp đặt dấu ấn đô hộ kiểu phương Tây ở Đông Dương và xây dựng Hà Nội thành thủ phủ của Đông Dương thì đây cũng là biểu tượng phát triển của Pháp ở toàn cõi thuộc địa, Hà Nội thực sự là nơi đáng sống nhất ở Đông Nam Á trước cả Singapore, hơn cả Malacca. Nhưng quy hoạch khoa học và phong cách kiến trúc sang trọng của châu Âu cũng đã theo đó “đổ bộ” vào Hà Nội để hình thành nên “khu phố Tây” (nay gọi là “phố cũ”). Hiện nay, nhiều công trình đã trở thành di sản và quy hoạch đô thị thì vẫn còn nguyên giá trị, không bị lỗi thời.
Dấu ấn sau 10-10-1954
Hà Nội lại được là Thủ đô. Người dân từ các nơi, từ chiến khu trở về. Không gian sống xưa đã trở nên quá chật chội. Kinh tế thì khó khăn cùng ảnh hưởng của chiến tranh khiến cho cuộc sống trở nên “tối giản”. Tuy nhiên những tinh túy của lối sống Hà Nội xưa vẫn âm thầm được duy trì trong cả khu phố cổ, phố cũ và các làng xóm ngoại ô.
Các công trình kiến trúc kiểu công nghiệp hóa do các nước XHCN anh em giúp đỡ cũng đã lần đầu được hình thành ở Hà Nội. Những khu nhà tập thể 5 tầng và không gian công cộng thoáng rộng, văn minh đã mang đến cho Hà Nội một lối sống mới và lại một lần nữa trở thành nơi đáng sống cho rất nhiều người. Dù cho phong cách này chẳng ăn nhập gì với Hà Nội xưa.
Sau giai đoạn đầu thời kỳ Đổi Mới (1985-1990), kinh tế của một bộ phận dân Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ đã khiến cho nhu cầu xây dựng tăng đột biến. Sự nhàm chán của kiến trúc XHCN cũ đã được các “đại gia” mới thay thế bằng lối “kiến trúc Pháp lai căng” mà nổi bật là gờ phào, đầu cột. Quỹ đất phát triển giai đoạn này ở Hà Nội đã lần đầu “phát minh” ra kiểu nhà phân lô. Những gia chủ mới thực sự tự hào về điều này của Hà Nội để rồi nó được nhân rộng khắp cả nước (nhất là ở miền Bắc) từ thành thị tới nông thôn... So với tình cảnh trước đó thì Hà Nội vẫn là nơi đáng sống, đáng khao khát. Nhưng đó lại là bước đi lùi của sự phát triển kiến trúc mà đến nay rất nhiều nhà chuyên môn muốn quên đi.
Dấu ấn Hà Nội mở rộng từ năm 2008
Các dự án đô thị mới, dự án kinh tế - thương mại cứ thế được mọc lên như nấm sau mưa. Đủ mọi phong cách kiến trúc, không gian sống đã thi nhau phát triển ở đủ mọi cấp độ. Phong cách truyền thống hoặc đặc trưng của Hà Nội trong kiến trúc đã hầu như không còn tồn tại. Chỉ còn lại chút hoài niệm trong các di tích, công trình trong khu phố cổ và cũ ở nội đô trung tâm lịch sử.
Nhiều cư dân phố cũng dần chuyển ra sống ở vùng ngoại ô vì họ cần thiên nhiên, trốn xa sự ngột ngạt của phố phường kiểu cũ. Dù hàng ngày họ vẫn đi vào làm việc ở nội độ. Một phong cách sống và kiểu kiến trúc quốc tế hóa đã hình thành ở Hà Nội. Đấy có thể cũng là một giải pháp để Hà Nội lại trở thành nơi đáng sống chăng?