Xây dựng và phát triển nền tảng công dân số
Tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện trên cả 3 trụ cột: chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, trong đó công dân số (CDS) là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số. Với chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai xây dựng nền tảng CDS Cao Bằng với kỳ vọng cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội hiệu quả.
Nền tảng CDS Cao Bằng được xác định là một kênh tổng hợp, kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; là kênh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo Đề án chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa quy trình hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Nền tảng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, độ bảo mật cao, tối ưu trải nghiệm cho người dùng, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu các tiện ích cơ bản như: cung cấp DVC trực tuyến cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ hành chính (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe…) thuận tiện và nhanh chóng, không cần trực tiếp đến cơ quan nhà nước, nhất là 25 DVC thiết yếu, giảm thời gian và chi phí của người dân; tạo cơ chế cho người dân theo dõi và phản hồi về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính công.
Người dân có thể dễ dàng phản ánh, kiến nghị về các vấn đề xã hội như: tình hình an ninh trật tự, môi trường, giao thông hoặc gửi khiếu nại đến cơ quan chức năng qua ứng dụng và theo dõi tiến độ xử lý. Lãnh đạo các cấp có thể giám sát, theo dõi được quá trình, tiến độ xử lý các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, tăng cường sự tương tác của người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Bên cạnh đó, nền tảng cung cấp thông tin chính thống, cập nhật các chính sách, sự kiện xã hội, văn hóa và thông báo từ chính quyền địa phương; gửi cảnh báo thiên tai, dịch bệnh hoặc các tình huống khẩn cấp trực tiếp đến người dân qua điện thoại hoặc ứng dụng di động. Cho phép người dân kết nối với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các chi phí dịch vụ hành chính công, dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, viễn thông… Cung cấp danh bạ các cơ quan chức năng của tỉnh, các dịch vụ an sinh xã hội, trợ lý ảo, camera công cộng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm các thông tin, truy cập dịch vụ mà mình cần.
Hiện, tỉnh đang cung cấp 1.570 DVC trực tuyến toàn trình và DVC trực tuyến một phần; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 71,55%; Internet cáp quang tốc độ cao phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; gần 89% dân số toàn tỉnh có điện thoại thông minh; 98% dân số có sổ sức khỏe điện tử. Nhiều bệnh viện, trường học, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các tiện ích của Đề án 06 được đẩy mạnh ứng dụng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Nông Thị Thanh Huyền cho biết: Mặc dù nền tảng CDS mang lại nhiều lợi ích rõ rệt trong việc thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tuy nhiên, việc triển khai nền tảng này tại tỉnh đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa kém ổn định; còn 169 xóm, khu dân cư “trắng sóng”, “lõm sóng” di động. Chi phí đầu tư hạ tầng viễn thông và mạng lưới internet tại những khu vực này khá cao, gây khó khăn cho việc mở rộng phạm vi và chất lượng dịch vụ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của người dân đối với nền tảng CDS...
Xây dựng nền tảng công dân số là một bước tiến lớn để địa phương phát triển bền vững và hiện đại hóa, tạo cơ hội cho người dân kết nối, tương tác và tham gia vào các hoạt động cộng đồng một cách thuận lợi và nhanh chóng. Để xây dựng và phát triển nền tảng, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương đầu tư và mở rộng hạ tầng viễn thông, Internet tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đảm bảo kết nối ổn định và mạnh mẽ. Phát triển thêm các tiện ích cho người dân; tăng cường các biện pháp bảo mật tiên tiến nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân và ngăn chặn các rủi ro liên quan đến an ninh mạng.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức số, phát triển kỹ năng số để người dân có thể tiếp cận và sử dụng nền tảng một cách hiệu quả. Qua đó, tạo tiền đề để Cao Bằng vươn lên thành một tỉnh thông minh và phát triển trong thời kỳ số hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xay-dung-va-phat-trien-nen-tang-cong-dan-so-3174826.html