Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương

Trên cơ sở xác định sản phẩm lợi thế, chủ lực và các sản phẩm đặc thù của địa phương, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản ngày càng được các cấp, ngành, địa phương và người sản xuất quan tâm. Đây được xem là 'điểm tựa' để các sản phẩm phát triển bền vững, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Diện tích trồng cam Vân Du tại xã Thành Tân (Thạch Thành).

Diện tích trồng cam Vân Du tại xã Thành Tân (Thạch Thành).

Toàn tỉnh đang có hơn 23.200ha cây ăn quả, tập trung ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Như Xuân, Thạch Thành... Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ, cửa hàng thực phẩm trong tỉnh, một số ít được tiêu thụ tại các thị trường tỉnh ngoài. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Đồng thời, tích cực thu hút đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm cây ăn quả để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, một số sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu tập thể như cam, ổi Như Xuân; cam Vân Du (Thạch Thành); dưa hấu Mai An Tiêm (Nga Sơn); bưởi Luận Văn (Thọ Xuân) được cấp chỉ dẫn địa lý... và các sản phẩm OCOP tại các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành, Yên Định...

Tại xã Bãi Trành (Như Xuân), với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây ổi lê Đài Loan trở thành cây trồng thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Chủ tịch UBND xã Bãi Trành Nguyễn Minh Hải, cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm ổi Như Xuân trên thị trường, UBND xã đã hình thành các vùng chuyên canh ổi tập trung với diện tích hơn 11ha và hỗ trợ thành lập HTX Vĩnh Thịnh Như Xuân để liên kết các hộ sản xuất ổi theo quy trình VietGAP và thu mua, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, với hương vị đặc trưng như cùi dày, vị ngọt đậm, giòn, sản phẩm ổi Như Xuân đã được UBND huyện Như Xuân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được gắn sao OCOP, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, từ đó đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong, ngoài tỉnh.

Thanh Hóa còn là địa phương có tiềm năng phát triển lúa gạo với nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường như Tâm Phú Hưng, Ngọc Phố, nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang Hà Long, nếp hạt cau Tiên Sơn, gạo nếp Cay Nọi, nếp hạt cau Lộc Thịnh... được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để “nâng tầm” cho sản phẩm gạo, trong đó chú trọng đến giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến khích, hướng dẫn các địa phương lựa chọn, đưa những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, như: ST24, ST25, J02, Q5... Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung thâm canh, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ cho các vùng sản xuất lúa và xây dựng mã số vùng trồng quốc tế cho vùng sản xuất lúa để hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lúa nếp trên website, phương tiện truyền thông, tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại...

Có thể khẳng định, việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm sau khi được cấp bảo hộ nhãn hiệu, gắn sao OCOP... khi đưa ra thị trường được kiểm tra, quản lý chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt... góp phần nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cũng đã thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, HTX gắn kết với chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Để phát huy giá trị sản phẩm, các địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm, chú trọng đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản gắn với thế mạnh của từng vùng; từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-va-phat-trien-thuong-hieu-nong-san-dia-phuong-221110.htm