Xây dựng và phát triển văn hóa, con người TP.HCM đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sáng 25/12/2024, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và Chương trình hành động 45-CTrHĐ/TU về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Hội nghị do ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả TP.HCM đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Hội nghị đã trình bày các báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tập trung đánh giá tương đối đầy đủ về những thành tựu đạt được, nêu lên các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

10 năm - kết quả đáng tự hào

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU, nhận thức về vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đã được nâng cao rõ rệt. Truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo cùng lòng nhân ái, nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tiếp tục được phát huy. Lối sống nghĩa tình dần trở thành nét văn hóa đặc trưng, thể hiện qua các phong trào hành động cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nuôi dưỡng nhân cách lành mạnh, tiến bộ. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách, người nghèo, người neo đơn được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo nên sự lan tỏa văn hóa sâu rộng trong cộng đồng.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo

Công tác xây dựng đời sống và môi trường văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống văn hóa cơ sở được nâng cao rõ rệt. Các phong trào thi đua yêu nước thu hút sự hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều mô hình văn hóa sáng tạo, nhân văn, đậm bản sắc dân tộc được nhân rộng. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, người tốt việc tốt, góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong từng cá nhân, gia đình và nếp sống văn minh trong cộng đồng. Điều này tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, sinh động, góp phần giữ vững an ninh chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố.

Hoạt động văn học - nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo, giữ gìn và phát triển văn học, nghệ thuật cách mạng đương đại, tiếp thu các giá trị tiến bộ, phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân văn. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng nhờ những nỗ lực bám sát thực tiễn lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng cuộc sống mới của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ của thành phố không ngừng phát triển, gắn bó chặt chẽ với Thành phố và tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng trẻ.

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố với nhiều giải pháp đầu tư hiệu quả, phát huy vai trò của bảo tàng, thư viện, di tích, di sản văn hóa, các đoàn nghệ thuật, hội văn học nghệ thuật và hội quần chúng trong lĩnh vực văn hóa. Hệ thống trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, nhà văn hóa, nhà thiếu nhi cấp thành phố và quận, huyện đã đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời phục vụ đa dạng nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa ở cơ sở.

Các chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ được cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện và đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa của thành phố. Công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Vươn mình bằng đặc trưng riêng biệt

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định: “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Bác” là nhiệm vụ quan trọng gắn với mục tiêu “Xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân".

Các nhân được khen thưởng

Các nhân được khen thưởng

Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời trong bối cảnh TP.HCM tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng phẩm chất con người mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; chú trọng việc đầu tư xây dựng nền công nghiệp văn hóa và bước đầu hình thành thị trường văn hóa; đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới - Sáng tạo để xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại”.

Từ Nghị quyết và tình hình thực tế, gắn tầm nhìn chiến lược với những đặc trưng vốn có của người Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM, trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã đạt được những kết quả tự hào trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao công tác triển khai Nghị quyết. Các cấp, các ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của Thành phố, đồng thời phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Theo ông Phan Văn Mãi, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển văn hóa và con người, nhưng vẫn còn những điều chưa thực hiện tốt, khiến ông không khỏi trăn trở. Ông đặt câu hỏi làm thế nào để TP.HCM có thể khắc họa rõ nét bản sắc đặc trưng, để khi nhắc đến Thành phố, bạn bè trong và ngoài nước sẽ nghĩ ngay đến một đô thị văn minh, hiện đại, có vị thế nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, ông nhấn mạnh giá trị cốt lõi về lối sống nghĩa tình cần được gìn giữ và phát huy như một dấu ấn riêng biệt, tạo nên sức hút đặc trưng cho Thành phố mang tên Bác.

Công tác xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ quan, sở, ban, ngành và địa phương bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc duy trì các hoạt động vẫn còn hạn chế, cần được phát huy và lan tỏa sâu rộng đến mỗi người dân Thành phố, thay vì chỉ dừng lại ở không gian vật lý.

Ông đề nghị sự đồng lòng, chung sức và phát huy tối đa nội lực, tinh thần đoàn kết vốn có từ các cấp ủy đến chính quyền, các cơ quan chuyên môn và truyền thống của nhân dân Thành phố. Cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để xứng đáng là một đô thị đặc biệt, trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, và là đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế với sức thu hút và lan tỏa lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tất cả nhằm cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

“Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, gắn với thực hiện kết luận chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Phan Văn Mãi đề nghị các cấp, các ngành phải tập trung các giải pháp nâng chất các danh hiệu văn hóa: Gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, điểm sáng văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật…

Đại diện tập thể nhận khen thưởng

Đại diện tập thể nhận khen thưởng

Xây dựng văn hóa gia đình tại Thành phố, trong bối cảnh xu hướng đang giảm sinh, già hóa dân số, tác động của công nghiệp hóa. Các cấp, các ngành cần có những tính toán, kế hoạch cụ thể, thiết thực hơn. Các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường văn hóa trong các cơ quan hành chính, về tác phong làm việc văn minh, lịch sự trong giao tiếp ứng xử… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững của Thành phố mang tên Bác.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 29 cá nhân, UBND TP.HCM tặng Bằng khen cho 16 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

T.Hải

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-tp-hcm-dap-ung-yeu-cau-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-315304.html