Xây dựng văn hóa công sở và nơi công cộng: Cách làm hay, kinh nghiệm quý
Nhiều việc làm cụ thể, kinh nghiệm quý được đại diện các sở, ngành chức năng, địa phương chia sẻ tại hội nghị tọa đàm kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phong trào 'Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng'. Hội nghị diễn ra ngày 29-11 do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.
Những mô hình hay
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở đặc biệt chú trọng thực hiện 2 Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội) và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, qua hơn 6 năm thực hiện 2 quy tắc ứng xử và 4 năm thực hiện phong trào, nền hành chính ở Thủ đô tăng tính chuyên nghiệp; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô tăng kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện. Trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, gương cá nhân, tập thể điển hình trong giao tiếp, ứng xử.
Khẳng định nếp văn hóa ứng xử dần định hình rõ nét ở địa phương, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoài Đức Ngô Thị Sinh cho biết, tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức, văn hóa ứng xử thể hiện đa dạng, từ lời ăn, tiếng nói, tác phong, lề lối làm việc đến thái độ giao tiếp. Ngoài những tiêu chí chung, huyện Hoài Đức chủ trương thực hiện trang phục đồng phục cho cán bộ, viên chức bộ phận “một cửa” tại các xã, thị trấn, giúp người dân đến làm việc dễ dàng nhận diện, thuận tiện giao tiếp, trao đổi công việc.
Chia sẻ kinh nghiệm, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn, trong xây dựng văn hóa công cộng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Đông Anh đã thể hiện rõ qua việc triển khai hiệu quả các phong trào, mô hình văn hóa. Trong xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động, các đơn vị luôn đề cao vai trò người đứng đầu, qua đó lan tỏa nền nếp, tác phong làm việc đến những người xung quanh. Huyện Đông Anh cũng kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt văn hóa công sở, nêu gương sáng để mọi người cùng học tập.
Tại các sở, ban, ngành của thành phố, văn hóa công sở định hình ngày càng rõ nét. Chẳng hạn như ngành Bảo hiểm Thủ đô xây dựng phòng làm việc kiểu mẫu với những nguyên tắc ứng xử cụ thể, phù hợp với từng vị trí công việc do cán bộ, công chức, người lao động đảm nhận.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay, đơn vị tập trung lấy ý kiến về những điều bệnh nhân chưa hài lòng, căn cứ vào đó để từng bước rút kinh nghiệm.
Để văn hóa ứng xử ngày càng lan tỏa
Bên cạnh những hiệu quả, tại tọa đàm đã có nhiều ý kiến nêu ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm, như: Nhận thức của một số cán bộ, người lao động về xây dựng văn hóa ứng xử còn hạn chế; quy định lề lối làm việc một số nơi còn thiếu khoa học, hiệu quả xử lý, giải quyết công việc chưa cao...
Để văn hóa công sở và nơi công cộng ngày càng đi vào thực chất, có sức lan tỏa sâu rộng, đại diện các cơ quan chức năng, địa phương đề xuất nhiều giải pháp khả thi, như: Bố trí thêm nguồn lực cho tuyên truyền, vận động thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố; khen thưởng kịp thời đi liền với phê bình, xử phạt; tận dụng thế mạnh công nghệ số trong tuyên truyền, vận động...
Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Hoàng Thu Hồng cho rằng, việc tuyên truyền về các quy tắc ứng xử, phong trào thi đua nhằm xây dựng môi trường làm việc văn hóa, không gian công cộng văn minh cần cụ thể, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, để thu hút nhiều người tham gia hơn.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cần đưa nội dung cụ thể của các quy tắc ứng xử vào những tác phẩm điện ảnh, sân khấu, giúp lan tỏa tốt hơn.
Từ những ý kiến nêu trên có thể nhận thấy, kinh nghiệm và cách làm quan trọng nhất là dù làm việc ở cơ quan nào, đảm nhận vị trí công việc gì, thì mỗi người cần có nhận thức đúng về văn hóa ứng xử. Khi nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng và cách ứng xử phù hợp. Nhìn rộng hơn, việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử cũng như các phong trào thi đua sẽ góp phần tạo nền tảng, môi trường cho mỗi cán bộ, công chức, người lao động ngày càng hoàn thiện hơn về lề lối, tác phong làm việc, thái độ phục vụ. Đó cũng là giải pháp quan trọng để duy trì, phát triển những đức tính và giá trị tốt đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.