Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: 'Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại'.
Tại lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới - năm 2025, vào chiều nay (21.4), Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại".

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới - năm 2025, chiều nay (21.4) - Ảnh: TN
Bộ trưởng cho biết, với Việt Nam, Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo 21.4 không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ, mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp, học sinh tạo ra sản phẩm học tập), khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.
Đổi mới là quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm, giải pháp thực tiễn. Đổi mới xảy ra trong quy trình, công nghệ, tổ chức, mô hình kinh doanh. Đổi mới gắn với ứng dụng, giá trị và tác động. Đổi mới đòi hỏi phải thử nghiệm, triển khai, tạo ra tác động vào thị trường và xã hội. Đổi mới gắn với các doanh nghiệp và tổ chức.
Đổi mới (Innovation) thường hay gắn với công nghệ. Sáng tạo (Creativity) bao gồm cả nghệ thuật, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nhấn mạnh cả sáng tạo và đổi mới là để tôn vinh cả người nghĩ ra ý tưởng và người hiện thực hóa nó thành những thay đổi trong thực tế, và để mở rộng khái niệm sáng tạo và đổi mới không chỉ dành riêng cho giới khoa học, nghiên cứu, mà cho toàn dân, mọi lĩnh vực, mọi quốc gia.
Theo Bộ trưởng, các nước đi sau buộc phải "nhảy cóc công nghệ". Tiếp thu công nghệ sẵn có, rồi cải tiến, tái tạo, ứng dụng sáng tạo theo ngữ cảnh địa phương. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho phép sáng tạo trong điều kiện hạn chế, rất phù hợp với bối cảnh của các nước đang phát triển.
Chi cho khoa học công nghệ (KHCN) của các nước đang phát triển thấp, nên cần lấy ĐMST làm đòn bẩy. Nếu chỉ dựa vào KHCN hàn lâm, các nước đang phát triển sẽ không theo kịp các nước phát triển. ĐMST cho phép tận dụng thành tựu nghiên cứu phát triển từ nơi khác, rồi cộng với đổi mới mô hình, tổ chức, nội địa hóa sản phẩm.
ĐMST lan rộng hơn KHCN, nó bao trùm cả xã hội và thể chế. KHCN là một phần của ĐMST quốc gia. ĐMST quốc gia bao gồm đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới quản trị quốc gia, đổi mới chính sách xã hội, đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức giáo dục, y tế, giao thông, môi trường...
ĐMST không cần đầu tư các phòng lab, mà cần tư duy đổi mới và văn hóa đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, ĐMST là chìa khóa để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình. ĐMST là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh.
Bộ trưởng cho rằng cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan tỏa.
Bộ trưởng ví dụ: "Phần Lan là một quốc gia đổi mới thầm lặng, học hỏi liên tục và cải tiến vi mô. Đó là một xã hội học hỏi, cải tiến liên tục, là một xã hội ĐMST toàn dân. Tại Phần Lan, cải tiến nhỏ từ 5 triệu người dân được đánh giá có giá trị hơn phát minh từ 500 nhà khoa học, nói theo cách này thì cải tiến nhỏ từ 100 triệu người Việt Nam sẽ không kém gì từ 10.000 nhà khoa học".
Năm 2025 là năm thứ tư Bộ KH-CN tổ chức lễ hướng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới. Sự kiện nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo toàn dân, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chủ đề hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025: "Đổi mới sáng tạo - Nghĩ khác, làm khác để tốt hơn", "Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng", "Đổi mới sáng tạo toàn dân - Chuyển đổi số toàn diện - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn".
Ngày 21.4 là Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu, cũng là Ngày Văn hóa ĐMST Việt Nam. Việt Nam không chỉ phát triển KHCN, mà còn nuôi dưỡng một nền văn hóa ĐMST toàn dân. Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số, mở rộng ĐMST ra ngoài phòng thí nghiệm tới doanh nghiệp, trường học, công sở, cộng đồng và địa phương.
Bộ Chính trị đã giao Bộ KH-CN viết đề án quốc gia khởi nghiệp, nội dung chính là hình thành tinh thần ĐMST trong toàn dân, đưa ĐMST trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức.