Xây dựng văn hóa du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa thủ đô Hà Nội
Cùng với tuyên truyền hướng dẫn cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm để người dân và du khách có ý thức và trách nhiệm hơn với di tích lịch sử văn hóa.
Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và thế giới. Thời gian qua, những hình ảnh, hiện tượng như ăn mặc phản cảm, khoác tay, níu người lên tượng danh nhân, di tích để chụp ảnh hay bôi bẩn, viết, ký để lưu lại dấu ấn tại di tích lịch sử, văn hóa của thủ đô… đã bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc xây dựng, ban hành những Bộ Quy tắc ứng xử, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hành vi ứng xử văn hóa, ý thức bảo vệ di sản cho người dân và du khách, để các di tích lịch sử văn hóa của thủ đô luôn là điểm đến hấp dẫn.
Thành phố Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm; hệ thống di tích tại khu vực phố cổ, các khu di tích Cổ Loa...
Với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội không ngừng gia tăng, trong đó năm ngoái ước đạt gần 22 triệu lượt người. Đa số người dân và du khách khi đến Hà Nội đều có ứng xử văn minh lịch sự, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân và du khách có những hành vi thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa tại các điểm di tích lịch sử văn hóa của thủ đô. Những hình ảnh một số người dân, du khách ăn mặc phản cảm, cười nói ồn ào, xả rác bừa bãi… tại các khu di tích văn hóa linh thiêng, trang nghiêm đã để lại ấn tượng xấu cần phải lên án, chấn chỉnh.
Ông Lê Khánh, ở phố Bà Triệu, Hà Nội nêu thực tế: "Cũng có nhiều người có ý thức thế nhưng cũng phàn nàn có nhiều người, nhất là các bạn trẻ về ý thức lịch sự đối với nhau, với người ngoài, thậm chí ăn mặc đi vào các khu di tích lịch sử, đền đài thì ý thức chưa đầy đủ. Vào những nơi trang nghiêm thì phải trật tự chỉnh tề, tư cách đứng đắn, hành vi ứng xử phải có văn hóa".
Thực tế cho thấy, một bộ phận du khách, nhất là giới trẻ khi đến các địa điểm di tích lịch sử văn hóa chỉ là để theo trào lưu, xu thế đám đông. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtours cho biết: "Du khách đến với di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là du khách Việt Nam thì mọi người cũng mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm đến bên ngoài thôi, có thể người ta chỉ dừng lại chụp một hai kiểu ảnh để chứng minh là mình đã tới đây chứ ít có sự quan tâm kỹ hơn để tìm hiểu những giá trị lịch sử văn hóa, những nội dung cốt lõi của di tích lịch sử ấy. Ngoài ra, có một số du khách, đặc biệt là du khách trẻ, hành vi ứng xử không được chuẩn mực, chụp ảnh trong khu di tích làm mất đi tính chất linh thiêng của địa điểm".
Rõ ràng những hành động ứng xử thiếu văn hóa với các di tích lịch sử, di sản văn hóa... như thời gian vừa qua đã làm nổi lên những lo ngại về ý thức văn hóa đang xuống cấp trầm trọng. Và vấn đề giáo dục ý thức của người dân đối với di sản, đặc biệt là giới trẻ cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội cho rằng: "Những hoạt động du lịch phải lấy người dân, du khách, người hưởng thụ du lịch làm trung tâm. Và chính vì vậy thì cần thiết phải trang bị, đầu tư cho họ những bộ cẩm nang, những bộ quy tắc, quy chế ứng xử. Không phải chúng ta không có những bộ cẩm nang, những quy tắc đó mà quá trình đưa những bộ quy tắc, những quy chế đó vào trong đời sống hàng ngày là có vấn đề hoặc là người ta phổ biến một cách chiếu lệ hoặc là chính những người trong cuộc đã không thật sự coi trọng những vấn đề đó. Cho nên, bên cạnh việc kiên trì thường xuyên đẩy mạnh việc phổ biến, phổ quát những quy chế, quy tắc thì phải bao hàm cả vấn đề giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu quả.
Để xây dựng ứng xử văn hóa cho người dân và du khách khi tham quan các di tích lịch sử văn hóa của thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý các di tích với các đơn vị du lịch để giới thiệu, cung cấp và phổ biến trước những giá trị, ý nghĩa cũng như những nội quy của di tích lịch sử văn hóa, từ đó góp phần nhắc nhở và nâng cao ý thức bảo vệ di sản cho người dân và du khách khi vào tham quan các địa điểm này.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtours nêu ý kiến: "Khi muốn cho du khách ứng xử văn minh thì đầu tiên chúng ta phải làm sao để xây dựng kiến thức nền cho người dân, du khách, ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng nội quy, quy định. Khi mà tính tuân thủ của người dân tăng lên và khi người dân đi du lịch thì ứng xử tại các điểm du lịch sẽ tốt hơn. Đối với Ban Quản lý các khu di tích thì bảng nội quy, quy định cũng cần phải để nhiều hơn và để ở những nơi dễ đọc, dễ nhìn để du khách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Tại nơi này cần có những cán bộ an ninh giám sát để mà khi du khách chuẩn bị có những hành vi nào đó thì được nhắc nhở ngay một cách nhẹ nhàng văn minh điều này cũng làm cho du khách tôn trọng hơn".
Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, cùng với Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Tổng Cục du lịch ban hành, Hà Nội cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, trong đó triển khai xây dựng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” và thực hiện việc cho du khách mượn trang phục, tránh tình trạng ăn mặc phản cảm, không phù hợp nơi tâm linh, tín ngưỡng, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp vì Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến nay, Hà Nội đã triển khai thực hiện tại nhiều di tích lịch sử văn hóa như: đền Ngọc Sơn, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích 48 Hàng Ngang, số 5D Hàm Long và 90 Thợ Nhuộm…
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Về trang phục cho du khách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thực hiện quyết định của UBND thành phố Hà Nội triển khai Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có tại di tích lịch sử văn hóa. Chúng tôi xác định việc may trang phục cho du khách mượn nó cũng đáp ứng được nhu cầu thực tế là hiện nay có một số du khách đây là do các nền văn hóa khác nhau đến đây thì ăn mặc tương đối thoải mái và chúng ta đã chứng kiến nhiều hình ảnh như vậy. Chúng tôi xác định không triển khai ở cả khu di tích mà chỉ ở 2 khu thờ tự là khu vực Bái Đường và Nhà Thái học và nhân viên của chúng tôi sẽ phục vụ du khách khi thấy du khách vào nơi đây mà ăn mặc không phù hợp".
Để chấn chỉnh kịp thời những hành vi vô văn hóa, thiếu tôn trọng đối với di tích lịch sử, văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực trong ứng xử văn hóa du lịch cho người dân và du khách thì việc ban hành những Bộ Quy tắc ứng xử là cần thiết. Tuy nhiên, song song với tuyên truyền hướng dẫn cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm để người dân và du khách có ý thức và trách nhiệm hơn khi tham gia vào các hoạt động tham quan, tìm hiểu tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, từ đó góp phần xây dựng những hình ảnh đẹp cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của thủ đô Hà Nội./.