Xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ ý thức thượng tôn pháp luật
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hà Nam, năm 2023, mặc dù, so với năm 2022, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm, nhưng lại tăng ở 2 tiêu chí là số vụ và số người bị thương. Ngoài những nguyên nhân khách quan như: công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT, cơ sở hạ tầng giao thông, thì ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ vi phạm ATGT ngày càng gia tăng với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, năm ATGT 2024, do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động đã tiếp tục xác định: Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Theo đó, mỗi người phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu trong các hành vi ứng xử khi tham gia giao thông. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh: Văn hóa giao thông phải bắt đầu từ những việc nhỏ, từ những hành vi văn hóa đến xây dựng con người văn hóa. Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông sẽ đem lại sự an toàn cho mọi người. Bởi, nếu chúng ta biết ứng xử chừng mực trong mỗi hoàn cảnh, mỗi va chạm giao thông không may xảy ra, tránh cư xử thô bạo, tiêu cực khi tham gia giao thông thì có thể tạo môi trường giao thông an toàn, đem lại sự yên bình cho mọi người trong đó có gia đình, người thân của mỗi người và cũng chính bản thân chúng ta. Điều đó, có nghĩa, khi tham gia giao thông, bên cạnh việc thực hiện tốt pháp luật về ATGT, mỗi người cần phải ứng xử có văn hóa, thể hiện tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau khi có người bị tai nạn... Bình tĩnh, hợp tác khi giải quyết các vụ va chạm; nhường nhịn khi có sự cố trong quá trình tham gia giao thông, đồng thời tích cực tham gia vận động mọi người cùng thực hiện, đấu tranh, lên án những người có hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Từ đó, có thể góp phần giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, những biểu hiện trái ngược với đạo đức tham gia giao thông, văn hóa giao thông như: thờ ơ khi có người bị tai nạn trên đường, đặc biệt là hành vi gây tai nạn giao thông cho người khác rồi bỏ trốn khỏi hiện trường; hành vi chống lại lực lượng cảnh sát giao thông sau khi vi phạm trật tự ATGT...
Thực tế, thời gian qua cho thấy, trên phạm vi cả nước vẫn xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến ý thức chấp hành những qui định của pháp luật về ATGT, những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông; thậm chí những hành vi chống đối người thi hành công vụ khi có những biểu hiện vi phạm về ATGT. Đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng TNGT tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Theo thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia, chỉ trong ngày 29/4 vừa qua, toàn quốc đã xảy ra 85 vụ TNGT, khiến 38 người tử vong, 72 người khác bị thương. Toàn bộ số vụ tai nạn đều xảy ra trên đường bộ. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 15.541 trường hợp; ra quyết định xử phạt 35 tỷ 136,4 triệu đồng; tước 2.929 giấy phép các loại; tạm giữ 485 ô-tô, 5.644 mô-tô và 97 phương tiện khác. Những con số này, thực sự là tiếng chuông báo động về ý thức chấp hành qui định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông. Những hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng tất sẽ bị nghiêm trị theo qui định của pháp luật.
Năm 2024, với mục tiêu: nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; giảm thiểu TNGT; kiềm chế tình trạng ùn tắc ở các đô thị... Ủy ban ATGT quốc gia tiếp tục lấy chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” để xây dựng chương trình hành động của năm.
Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Muốn xây dựng một xã hội có văn hóa giao thông, phải xuất phát từ ý thức của mỗi người tham gia giao thông. Nhưng để xây dựng văn hóa, văn minh giao thông, lại đòi hỏi có cả sự tự nguyện và biện pháp cưỡng chế... Nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền trong xây dựng văn hóa giao thông, tại hội nghị Ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Tòa án nhân dân tỉnh và Ban ATGT tỉnh, lãnh đạo đại diện Ban ATGT tỉnh đã khẳng định, đó không chỉ là giáo dục trong nhà trường, mà còn phải thực hiện thông qua công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và phải làm nghiêm công tác này. Ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, nhất là lái xe phải hằn sâu ở khâu này, tạo thành thói quen như lên xe là phải thắt dây an toàn.
Theo đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo nêu gương thượng tôn pháp luật, tạo động lực để nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự ATGT, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho cả xã hội.