Xây dựng văn hóa hợp tác để báo chí và doanh nghiệp xích lại gần nhau
Kinhtedothi – Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ gắn bó hữu cơ cùng phát triển, nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Chính vì vậy, cần xây dựng văn hóa hợp tác cởi mở, chân tình giữa báo chí và doanh nghiệp để cả hai xích lại gần nhau hơn.
Đây là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, doanh nghiệp… tại "Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc" diễn ra chiều 25/7. Sự kiện do Liên đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Hợp tác trên nền tảng văn hóa
Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu quan điểm, quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP Invest) Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ: Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ hữu cơ, báo chí cần doanh nghiệp để có tiếng nói từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp cũng thật sự cần báo chí để gửi gắm tâm tư của mình. Có những thời điểm, doanh nghiệp có phản ánh, có kiến nghị chúng tôi không thể nào tự mình nói với Thủ tướng hay các bộ ban ngành mà cần phải thông qua báo chí.
Tuy nhiên, trên thực tế, do chưa tìm được tiếng nói chung, nên mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, bất cập. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập cho biết, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua cũng ghi nhận nhiều hoạt động tác nghiệp từ các cơ quan báo chí. Bên cạnh những cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép thì vẫn còn đó những cơ quan báo chí chưa được nghiêm túc theo tôn chỉ, mục đích, gây khó cho doanh nghiệp.
Không ít các thông tin được thực hiện còn thiếu sự khách quan, đa chiều, thiếu sự tương tác với doanh nghiệp về các vấn đề được phản ánh, dẫn đến việc doanh nghiệp mất lòng tin vào các cơ quan báo chí. Vì vậy, thông qua Diễn đàn này, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý báo chí, nghiên cứu đưa ra các quy định, thắt chặt hơn nữa hoạt động, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép.
Xét trên bình diện chung, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng nhau giữa báo chí và doanh nghiệp qua nhiều năm tháng luôn là mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, lúc này lúc khác, mối quan hệ giữa một cơ quan báo chí và doanh nghiệp, giữa phóng viên với doanh nhân có một số điều phiền lòng, cả hai bên còn có một số điều cần thực hiện tốt hơn.
Nếu doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh thì người làm báo và các cơ quan báo chí có văn hóa báo chí. Doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh, các cơ quan báo chí có đạo đức báo chí. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn trên tinh thần cùng chia sẻ tầm nhìn và mong muốn chung tay lành mạnh hơn nữa mối quan hệ này, đem đến những cơ hội thiết thực cho những lực lượng đại diện cho nguồn lực phát triển của xã hội, đất nước.
Cần một mối quan hệ cởi mở, chân tình
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chưa bao giờ là cần thiết và cần thắt chặt như hiện nay. Tuy nhiên, môi trường kinh tế thế giới và môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra thay đổi rất nhiều tại các cơ quan báo chí. Báo chí rất cần doanh nghiệp cả ở góc độ thông tin và nguồn thu.
Theo ông Lê Quốc Minh, nhiệm vụ của báo chí là kênh thông tin chính xác, xác thực tạo chiều sâu và nêu lên những bất cấp của đời sống kinh tế xã hội. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động với cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin phối hợp truyền thông chính thống, chính xác thông tin, thay vì né tránh cơ quan báo chí.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kỳ vọng, thông qua chương trình ký kết hợp tác, với sự chung tay, góp sức của 4 cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng với giới báo chí – truyền thông sẽ cùng nhau bắt đầu giai đoạn đồng hành, hợp tác mới. Hai bên cùng thành công và có những đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu lớn: Đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa báo chí và doanh nghiệp, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, các cơ quan báo chí luôn mong muốn doanh nghiệp hợp tác, đồng hành và chia sẻ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan báo chí, mong muốn đây là cầu nối truyền tải phản ánh, thông điệp của doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí và cộng đồng doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thành Lợi lâu nay được khẳng định là mối quan hệ hữu cơ, hai bên cùng thắng trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, môi trường truyền thông hiện nay đang làm thay đổi nhận thức của các bên trong mối quan hệ này.
Trong môi trường truyền thông trước đây, công chúng thụ động tiếp cận thông tin. Còn hiện nay thì ngược lại, môi trường truyền thông phát triển, nhất là mạng xã hội cũng đang khiến các cơ quan báo chí lúng túng, trong đó nguồn thu của báo chí bị ảnh hưởng. Địa hạt kinh tế sụt giảm đã ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan báo chí, ảnh hưởng đến môi trường truyền thông.
Đề cập đến một số hiện tượng không hay đã xảy ra khiến một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại tiếp xúc với báo chí, nhất là khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng, ở môi trường truyền thông và quốc gia nào cũng có. Trước thực tế này, các doanh nghiệp cần xác định, thông tin mạng xã hội không phải là nguồn tin chính thống, chỉ có thông tin từ các cơ quan báo chí cung cấp mới là thông tin chính thống. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động, bình tĩnh tiếp nhận và xử lý thông tin để không ảnh hưởng uy tín và thương hiệu của mình.
Để mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, ông Nguyễn Thành Lợi đề xuất 2 nội dung. Thứ nhất, với doanh nghiệp, minh bạch thông tin là nội dung quan trọng nhất. Chỉ có minh bạch và chủ động cung cấp thông tin thì mới trở về giá trị cốt lõi, tránh tạo dư luận hoang mang. Thứ hai, với cơ quan báo chí, không chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội, không để các nguồn tin thiếu kiểm chứng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
Coi mỗi lĩnh vực là một mặt trận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhận định, mỗi mặt trận kinh tế, hay tư tưởng cũng cần có các chiến sĩ xung kích. Nếu các doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế thì các nhà báo cũng là chiến sĩ trên mặt trận tu tưởng. Mỗi mặt trận đều có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy, những chiến sĩ trên các mặt trận, cũng cần đoàn kết, gắn bó thân tình vì nhiệm vụ phát triển chung cũng như sự phát triển của chính doanh nghiệp, chính cơ quan báo chí.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI