Xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong trường đại học

Đồng Nai hiện có 5 trường đại học; các phân hiệu cơ sở 2 của các trường đại học; các trường cao đẳng. Đây là những đơn vị có nhiều tiềm lực khoa học, là nơi sản sinh ra các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), các đề tài nghiên cứu khoa học của thầy và trò.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các CLB khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học ở Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các CLB khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học ở Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Các trường đang nỗ lực kết nối để đưa những ý tưởng sáng tạo từ phòng nghiên cứu ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

* Nhiều ý tưởng hay

Dự án Khởi nghiệp gỗ biến tính cho kiến trúc cảnh quan của nhóm sinh viên Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai là một trong 5 dự án xuất sắc giành giải thưởng của cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai năm 2022. Qua cuộc thi này, nhóm mong muốn có thêm cơ hội để giới thiệu sản phẩm gỗ biến tính, tìm kiếm và tiếp cận với các nhà đầu tư, tạo ra xu hướng vật liệu xanh thân thiện với môi trường.

Hiện nay, sản phẩm mẫu của dự án đã được Công ty CP Sản phẩm TanhatayA (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đặt và trưng bày làm sản phẩm mẫu.

Sinh viên Ngô Nguyễn Phát Đạt cho biết, thực tế hiện nay, các loại gỗ tự nhiên, đặc biệt là các loại gỗ quý đang ngày càng khan hiếm, giá thành cao, trong khi nhu cầu về nguồn gỗ cho ngành nội, ngoại thất của xã hội khá lớn. Nhóm đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu một sản phẩm thay thế được gỗ tự nhiên nhưng chất lượng vẫn tương đương mà giá thành lại rẻ hơn. Loại vật liệu này có thể ứng dụng trong các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, để làm các vật dụng như: bàn ghế, vật trang trí ngoài trời…

ThS HUỲNH HỒNG MAI cho hay: “Phải làm sao để giúp sinh viên hiểu được hành trình đổi mới là như thế nào, giúp họ quyết tâm trở thành những người tiên phong tìm ra cái mới. Phải chấp nhận chuyển đổi về chất lượng, mô hình chứ không chỉ đơn giản là thay đổi. Và chỉ khi vượt qua được sự “đau đớn” của việc “lột xác”, khởi nghiệp sẽ thành công”.

Qua nghiên cứu, học hỏi, nhóm sinh viên được biết đến nhiều công nghệ có thể biến tính gỗ, trong đó có công nghệ biến tính bằng dầu thực vật. Nhóm nghiên cứu dùng gỗ tự nhiên của hộ dân tại địa phương và nguồn dầu ăn đã qua sử dụng tại các nhà hàng, quán ăn. Gỗ được biến tính trong khoảng thời gian từ 2-12 giờ ở nhiệt độ từ 110-2400C. Quá trình biến tính gỗ, nhóm nghiên cứu sử dụng điện năng thay cho các nguồn năng lượng như: củi, than đá… để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, nhiều sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng tham gia khởi nghiệp khi có sự đồng hành của các giảng viên.

ThS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử cho hay, từ những đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đầu tiên vào năm 2011 đến nay, anh cùng các cộng sự, trong đó có nhiều sinh viên đã thực hiện nghiên cứu và chuyển giao khoảng 100 đề tài cho các doanh nghiệp.

Nói về những lợi ích khi cả thầy và trò cùng tham gia khởi nghiệp, ThS Toản cho biết, thông qua các dự án, trình độ, tay nghề của cả thầy và trò đều được nâng lên. Các sinh viên được rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, có cơ hội nắm bắt kiến thức thực tế song song với học lý thuyết. Nhiều sinh viên được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp đại học, có mức lương khá cao, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp tốt. Sau mỗi dự án chuyển giao thành công, cả thầy và trò có thêm một khoản chi phí để trang trải cho việc học hành, cuộc sống và là động lực để thực hiện các dự án tiếp theo.

* Tiền không phải là yếu tố quyết định

ThS Huỳnh Hồng Mai, Phó giám đốc Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp (NIIC) Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho rằng, các trường đại học ở Đồng Nai chưa phát huy hết tiềm năng trong hoạt động khởi nghiệp, ĐMST. Do vậy, những hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa và duy trì thường xuyên, liên tục.

Theo bà Mai, quy trình thực hiện là phát động các phong trào, cuộc thi để tạo nguồn cho những ý tưởng sáng tạo. Thông qua các cuộc thi, những ý tưởng được cọ xát lẫn nhau, làm hoàn thiện dự án của khởi nghiệp. Sau cuộc thi, nhóm tác giả có được các sản phẩm ĐMST và mô hình ĐMST ban đầu. Điều cần làm của nhà trường là ươm tạo để những dự án này trở thành các start-up hoặc các doanh nghiệp gần với doanh nghiệp KH-CN. Nếu làm được điều đó thì kết quả khởi nghiệp ĐMST của Đồng Nai sẽ tốt hơn rất nhiều; đồng thời không làm lãng phí tài năng, chất xám của giảng viên, sinh viên.

Để những ý tưởng từ phòng nghiên cứu ra thị trường, ThS Huỳnh Hồng Mai cho rằng, trước hết, kết quả nghiên cứu đó phải có giá trị, phải có sự ĐMST. Ý tưởng đó có thể làm thay đổi tư duy, nhận thức của con người, địa phương và những người làm ĐMST. Phải thúc đẩy sự tăng trưởng về mặt kinh tế và phải lan truyền được cảm hứng sáng tạo đối với tất cả mọi người.

Để làm được như vậy, nhà trường cần có mạng lưới cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp để nâng đỡ sinh viên, làm thay đổi các dự án. Từ những quỹ như: Quỹ Hạt giống sẽ giúp sinh viên triển khai mẫu thử, trải nghiệm khách hàng; hỗ trợ trang thiết bị, công nghệ để giúp sinh viên biến đổi những ý tưởng đó thành các sản phẩm.

Với những ý kiến cho rằng khởi nghiệp nhưng khó khăn về tiền, ThS Hồng Mai nhấn mạnh, tiền không phải là vấn đề quyết định mà cái chính là dự án khởi nghiệp đó có thật sự có giá trị hay không. Tiếp đến là yếu tố con người. Đội ngũ thực hiện dự án phải quyết liệt, phải có đủ năng lực để vượt qua khó khăn, thử thách. Khi đã có ý tưởng tốt, đội ngũ tốt thì các nhà đầu tư sẵn sàng “rót” tiền cho dự án.

Về tiền không khó, chính dự án đó có giá trị, chính đội ngũ, con người là yếu tố quyết định nhất. Dự án tốt, nhưng không có con người, đội ngũ tốt thực hiện thì cũng như không. Con người phải quyết liệt và vượt qua được những khó khăn, thách thức. Khi có ý tưởng tốt, đội ngũ tốt, các nhà đầu tư sẵn sàng rót tiền cho các dự án.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/xay-dung-van-hoa-khoi-nghiep-trong-truong-dai-hoc-3171857/