Xây dựng văn hóa kinh doanh từ thực hành văn hóa doanh nghiệp

Việt Nam được ghi nhận sở hữu nhiều điều kiện mang tính tiền đề cho phát triển bền vững, và còn rất nhiều dư địa cho phát triển bền vững do cả người lao động và doanh nghiệp đều một nền tảng nhận thức tốt và khá đồng đều.

Tầm quan trọng của thực hành văn hóa doanh nghiệp

Nghiên cứu “Văn hóa kinh doanh Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể và Hàm ý cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, do Viện Phát triển Doanh nghiệp - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, là nghiên cứu đầu tiên mang tính định lượng về văn hóa kinh doanh được thực hiện tại Việt Nam.

Các diễn giả thảo luận về văn hóa kinh doanh Việt Nam tại Diễn đàn đa phương năm 2023. Nguồn: ITN

Kết quả nghiên cứu được trình bày tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19.10 vừa qua với chủ đề “Khai thác sức mạnh Văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới”. Nghiên cứu đã giúp nhận diện hiện trạng văn hóa kinh doanh Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể gồm lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động, cán bộ công đoàn, từ đó tìm hiểu các thách thức và cơ hội thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Văn hóa kinh doanh Việt Nam định hướng bền vững được nhận diện trên một sơ đồ 3 tầng: tầng lõi về niềm tin và giá trị căn bản gắn với văn hóa dân tộc; tầng giữa là nhận thức định hướng bền vững; và tầng ngoài cùng là thực hành văn hóa của doanh nghiệp. Về niềm tin và giá trị căn bản, người Việt Nam thể hiện là một cộng đồng có quan niệm hài hòa, hướng tới đồng thuận xã hội cao, nhân ái vị tha, ham học, sẵn sàng vì lợi ích cộng đồng, tôn trọng thứ bậc, chống chịu tốt, nhận thức và chấp nhận trong chừng mực về hiện trạng bất bình đẳng, nhưng luôn mưu cầu công bằng và bình đẳng được cải thiện hơn. Trọng an toàn, ổn định, nhưng có định hướng tương lai, người Việt Nam có những phẩm tính và giá trị phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của thế giới, bao gồm coi trọng hiệu quả, có tư duy bền vững, và mưu cầu đối với các giá trị bền vững ở mức khá cao và đồng đều. Ở các tầng nhận thức và thực hành, Việt Nam được ghi nhận sở hữu nhiều điều kiện mang tính tiền đề, và còn rất nhiều dư địa cho phát triển bền vững.

Niềm tin và giá trị căn bản quyết định nhận thức và thực hành văn hóa doanh nghiệp. Việc tích cực thúc đẩy các thực hành tốt trong văn hóa tổ chức cũng sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở thực tế để điều chỉnh nhận thức sao cho phù hợp hơn với xu thế phát triển chung và thị trường. Bộ giá trị cốt lõi - yếu tố thu hút lao động trẻ, ở cấp độ doanh nghiệp - tỷ lệ thuận với năng lực lãnh đạo, tầm nhìn định hướng bền vững của doanh nhân đứng đầu, và trí tuệ cảm xúc xã hội của tập thể doanh nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra khác biệt đáng kể mà doanh nghiệp cần lưu tâm là khác biệt giữa nhận thức của lãnh đạo và người lao động về vai trò của bộ giá trị cốt lõi. Người lao động kỳ vọng nhiều nhất vào các giá trị “minh bạch”, “hiệu quả”, “tử tế” và “công bằng”, và đề cao thực hành tốt về “đồng thuận”, “trao quyền” và “tổ chức học tập”.

Các phát hiện của nghiên cứu cung cấp một tham chiếu và bộ điều hướng hữu ích, từ đó doanh nghiệp có thể phát triển tiếp các bộ công cụ để “đo lường sức khỏe” của tổ chức mình, tối ưu hóa các điều kiện và chỉnh sửa các khiếm khuyết để nâng cao cạnh tranh hướng tới bền vững. Điều này cũng được TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, nhấn mạnh trong phiên thảo luận "Thực hành tốt trong khai thác tiềm năng văn hóa doanh nghiệp cho cạnh tranh và bền vững” tại MSF năm 2023, mà Samsung Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Samsung Việt Nam - "đo lường và nâng cao sức khỏe" hướng tới cạnh tranh và bền vững

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho, Samsung Việt Nam luôn ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động cho nhân viên và người lao động tại các công ty đối tác. Các giá trị cốt lõi của Samsung bao gồm “Con người”, “Vươn tới đỉnh cao”, “Thay đổi”, “Tính liêm chính” và “Đồng thịnh vượng” được thấm nhuần ở tất cả các cấp quản lý và nhân viên của Samsung và trong bộ chỉ số Văn hóa Samsung, được đo lường hàng năm, với sự tham gia của tất cả các cấp quản lý và nhân viên. Quy trình “đo lường sức khỏe của tổ chức” giúp Samsung tối ưu hóa điểm mạnh và tích cực giải quyết các thách thức tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp, liên tục cải tiến để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và tốt nhất cho người lao động, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội.

Chia sẻ về vai trò của giá trị cốt lõi trong việc tạo nên thành công của Samsung tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nhân sự của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam - Thái Nguyên, ông Ryu Il Gon, nhấn mạnh yếu tố “con người” và “đổi mới - sáng tạo” trong vị thế số 1 toàn cầu của Samsung hiện nay. “Trong suốt lịch sử của Samsung, con người luôn đứng số 1 trong các giá trị cốt lõi của chúng tôi. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi nhận thấy cần phát huy hơn nữa nguồn nhân lực cho đổi mới và sáng tạo. Giá trị cốt lõi phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hiện đại, giúp thúc đẩy vị thế mong muốn của doanh nghiệp trong ngành mà doanh nghiệp tham gia kinh doanh”.

Cụ thể hơn, ông Lê Tùng Bách, Giám đốc Quan hệ Lao động, chia sẻ cách Samsung khai thác các đặc trưng văn hóa tổ chức của mình tại Việt Nam hướng tới ba mục tiêu quan trọng: “Con người là số 1 - Sản phẩm là số 1 - Môi trường là số 1”. Để hiện thực hóa ba mục tiêu này vào thực tiễn, Công ty đề ra và khuyến khích toàn thể nhân viên thực hành phương pháp S.M.A.R.T (Study - Học hỏi không ngừng;Mind - Suy nghĩ tích cực; Action - Hành động nhiệt tình; Relationship - Quan hệ tốt đẹp; Target - Mục tiêu hạnh phúc).

Với hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, có thể nói đa phần doanh nghiệp Việt mới chỉ chú trọng vào việc kinh doanh và chưa tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Việc học hỏi kinh nghiệm tốt từ những doanh nghiệp sở hữu các yếu tố tỷ lệ thuận với thực hành văn hóa doanh nghiệp tốt (là quy mô lớn, mức độ hội nhập cao, và thâm niên hoạt động lâu dài) như Samsung, vì thế, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nhanh chóng bắt kịp, cải thiện năng lực cạnh tranh theo định hướng bền vững, đóng góp cho văn hóa kinh doanh mang bản sắc Việt bền bỉ, kiên cường và năng động trong thời kỳ mới đầy biến động.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xay-dung-van-hoa-kinh-doanh-tu-thuc-hanh-van-hoa-doanh-nghiep-i347692/