Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong kỷ nguyên mới

Chỉ khi pháp luật được tôn trọng, thực hiện một cách tự giác, văn hóa tuân thủ mới thực sự trở thành nền tảng cho sự phát triển dân chủ, kỷ cương và công bằng trong xã hội.

Trong bối cảnh đất nước bước vào , việc kiến tạo và duy trì văn hóa tuân thủ pháp luật không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là yếu tố nền tảng bảo đảm sự vận hành hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Khái niệm “văn hóa pháp luật” hay “văn hóa pháp lý” vốn không còn xa lạ trong đời sống pháp lý nước ta những năm qua. Tuy nhiên, cụm từ “văn hóa tuân thủ pháp luật” mới chỉ được nhắc đến gần đây trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và đã được chính thức thể hiện trong ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo đó, yêu cầu tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Gần đây nhất, tại diễn đàn khai trương Cổng Pháp luật quốc gia và đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh tới vấn đề văn hóa tuân thủ pháp luật và việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong giới doanh nghiệp.

 Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong kỷ nguyên mới. (Ảnh: TL)

Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong kỷ nguyên mới. (Ảnh: TL)

Theo Cục trưởng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc, để có giải pháp thúc đẩy xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng và nhân dân nói chung, trước hết cần làm rõ và cần có sự thống nhất về khái niệm, nội hàm, các yếu tố hình thành, tác động… tới văn hóa tuân thủ pháp luật.

Hiểu theo nghĩa rộng về văn hóa tuân thủ pháp luật là những giá trị, chuẩn mực, thói quen được hình thành, duy trì trong cộng đồng và được thể hiện qua thái độ tôn trọng pháp luật, niềm tin và nhận thức đúng đắn về pháp luật, hành vi ứng xử, chấp hành pháp luật một cách chủ động, tích cực, tự giác, đầy đủ.

Văn hóa được thể hiện thông qua ý thức chấp hành cũng như trong nhận thức và hành vi tôn trọng, tuân thủ pháp luật của mỗi cá nhân.

“Một xã hội có văn hóa pháp luật phát triển là xã hội trong đó đa số công dân có trình độ ý thức pháp luật cao: Hiểu đúng, tin tưởng, tự nguyện thực hiện pháp luật và đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Quốc nói.

Đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, chấp hành pháp luật

Đặt trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bối cảnh phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, văn hóa tuân thủ pháp luật được tiếp cận theo hướng những giá trị, chuẩn mực được hình thành, phát triển nhằm phục vụ nhân dân, vì mục tiêu chung của xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”; được biểu hiện bằng thái độ tích cực, nhận thức đúng đắn về pháp luật, hành vi tự giác, chủ động chấp hành pháp luật, sẵn sàng bảo vệ pháp luật và đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật.

Vì vậy, theo Cục trưởng Lê Vệ Quốc, truyền thông chính sách và giáo dục pháp luật là cầu nối thiết yếu giữa pháp luật và xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành niềm tin và thúc đẩy hành vi tuân thủ một cách chủ động.

Theo đó, cần đổi mới công tác này theo hướng truyền thông chính sách kịp thời, từ sớm, từ xa, đảm bảo người dân có thể tiếp cận chính sách ngay từ giai đoạn xây dựng để tạo sự đồng thuận xã hội và giảm thiểu khoảng cách giữa ý chí Nhà nước và nhu cầu thực tiễn. Song song với đó, giáo dục pháp luật trong nhà trường cần được đổi mới nội dung và phương pháp, gắn với kỹ năng sống, năng lực công dân và tư duy phản biện pháp lý.

Đặc biệt, cần ưu tiên thiết kế chính sách truyền thông, phổ biến pháp luật phù hợp cho các nhóm đặc thù và yếu thế như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động di cư, … để bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật và thúc đẩy sự lan tỏa của văn hóa tuân thủ một cách toàn diện và bao trùm.

Trong thời đại truyền thông số và xã hội thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng – từ báo chí truyền thống đến mạng xã hội – giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lan tỏa các thông điệp pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để các kênh truyền thông thực sự trở thành công cụ định hình văn hóa tuân thủ pháp luật thì cần có sự định hướng rõ ràng về nội dung, phương pháp và mục tiêu truyền thông.

 Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật theo yêu cầu của Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. (Ảnh: TL)

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật theo yêu cầu của Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. (Ảnh: TL)

Ông Quốc nhấn mạnh, cán bộ, công chức là lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật, đồng thời cũng là hình mẫu hành vi trong mắt người dân. Do đó, trách nhiệm nêu gương, hành xử minh bạch và thượng tôn pháp luật của đội ngũ này chính là “ngòi dẫn” lan tỏa văn hóa tuân thủ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong đội ngũ công chức không thể chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu hay quy định hành chính mà phải được cụ thể hóa bằng các cơ chế kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa hoạt động công vụ và kỷ luật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.

Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật gắn chặt với giáo dục đạo đức, lối sống

Ở đây, nhân dân không chỉ là đối tượng được giáo dục pháp luật mà còn là chủ thể tích cực tham gia kiến tạo văn hóa tuân thủ pháp luật. Do đó, theo các chuyên gia, việc khơi dậy vai trò của người dân trong việc giám sát việc thực thi pháp luật, phản ánh bất cập pháp lý, bảo vệ công lý trong cộng đồng... là cách làm thiết thực để pháp luật trở thành "của dân, do dân và vì dân".

Đồng thời, phát huy sức mạnh của dư luận xã hội tích cực trong việc điều chỉnh hành vi lệch chuẩn, tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình chấp hành pháp luật tốt, từ đó tạo nên áp lực văn hóa mang tính xây dựng để duy trì, lan tỏa nếp sống thượng tôn pháp luật từ cơ sở.

GS, TS Nguyễn Minh Đoan, Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, văn hóa tuân thủ pháp luật là bộ phận quan trọng, cơ bản trong văn hóa pháp lý nói riêng, văn hóa nói chung. Pháp luật là một công cụ quản lý xã hội sắc bén, song pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò và những giá trị của mình trong việc duy trì trật tự và tạo điều kiện cho xã hội phát triển khi nó được tôn trọng và thực hiện tự giác, nghiêm minh trong cuộc sống.

Để xây dựng, phát triển văn hóa tuân thủ pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, theo GS, TS Lê Minh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, cần đổi mới công tác truyền thông chính sách, pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, đưa tuân thủ pháp luật trở thành nếp sống, thói quen, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện các thiết chế pháp luật, các công cụ, phương tiện pháp luật; chú trọng xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp…

Theo luật sư Lê Thu Hà (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), trong bối cảnh hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật không chỉ dừng lại ở việc “không làm những điều pháp luật cấm”, mà còn phải tiến xa hơn tới tinh thần chủ động “làm những điều pháp luật cho phép và khuyến khích”, thể hiện sự tích cực, trách nhiệm và sáng tạo trong khuôn khổ pháp lý.

Đây là yêu cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nơi mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước được thiết lập trên cơ sở quyền và nghĩa vụ pháp lý bình đẳng, có kiểm soát và có phản biện.

Luật sư nhấn mạnh, văn hóa tuân thủ pháp luật không chỉ là sự phục tùng thụ động, mà còn bao hàm cả kỹ năng chủ động vận dụng pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng và xử lý hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong đời sống. Cùng với nhận thức pháp lý, văn hóa tuân thủ còn đòi hỏi niềm tin của người dân vào sự công bằng, khách quan và khả năng bảo vệ quyền lợi của hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, tuân thủ văn hóa pháp luật cần được hình thành từ ý thức tự giác, được bồi đắp, nuôi dưỡng thông qua giáo dục pháp lý bài bản, lan tỏa trong đời sống cộng đồng và được bảo đảm bởi một hệ thống pháp luật nghiêm minh, đồng bộ, thực thi hiệu quả.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tuân thủ pháp luật thực chất, bền vững và lan tỏa sâu rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và chính mỗi công dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước.

Chỉ khi pháp luật được tôn trọng, thực hiện một cách tự giác, văn hóa tuân thủ mới thực sự trở thành nền tảng cho sự phát triển dân chủ, kỷ cương và công bằng trong xã hội - nơi pháp luật thực sự là điểm tựa cho người dân và là động lực cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

THU HẰNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-van-hoa-tuan-thu-phap-luat-trong-ky-nguyen-moi-post893100.html