Xây dựng văn hóa ứng xử khi dạy và học online

Nhiều buổi dạy và học online đã xảy ra không ít tình huống 'dở khóc, dở cười' liên quan đến văn hóa ứng xử. Những tình huống này ít nhiều đã ảnh hưởng đến lớp học, nhất là tâm lý của giáo viên. Do đó, việc xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh dạy và học online là cần thiết.

Em Nguyễn Quốc Thắng, lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) trong giờ học. Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh quy định học sinh phải mặc đồng phục trong giờ học online

Em Nguyễn Quốc Thắng, lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) trong giờ học. Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh quy định học sinh phải mặc đồng phục trong giờ học online

Dạy học online, giáo viên không chỉ vất vả hơn trong việc truyền đạt kiến thức, quản lý lớp học mà cũng khó kiểm soát các tình huống không mong muốn xảy ra. Qua 3 tuần học online, có không ít tình huống bi hài khiến giáo viên nhẹ thì bị phân tâm, luống cuống, nặng thì “sốc” tâm lý.

* Nhiều tình huống bi hài

Tình huống phổ biến nhất mà hầu như giáo viên nào cũng gặp phải trong quá trình dạy online là học sinh không tuân thủ nội quy lớp học. Nhiều em không tắt mic, tự ý phát biểu khi giáo viên chưa mời. Điều này làm ảnh hưởng chung đến sự tập trung, chú ý của cả lớp. Một số học sinh khác lại thường nhắn tin trong giờ học khiến giáo viên phải nhắc nhở nhiều lần. Có em lại vẽ lên bài trình bày của giáo viên, mở nhạc trong khi học...

Chị Lê Hồng Duyên (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) kể: “Mấy hôm đầu học online, tôi để ý thấy có bé còn vẽ cả râu lên hình của cô giáo hoặc vẽ lung tung lên màn hình, cô phải nhắc nhở mấy lần mới thôi”.

Những tình huống liên quan đến học sinh dù sao cũng dễ giải quyết nhưng nếu liên quan đến phụ huynh thì trở nên tế nhị và khó nói hơn.

Cô Phạm Thị Phương Thảo, Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) tâm sự: “Có hôm tôi đang rất tập trung dạy học thì nghe tiếng phụ huynh ngồi kế bên nói xen vào. May là giáo viên giữ quyền host nên tắt mic của em được. Có trường hợp học sinh giơ tay phát biểu nhưng tôi chưa kịp gọi thì phụ huynh phản ứng. Lúc đó, tôi cũng “chạnh lòng” nhưng rồi phải lấy lại bình tĩnh để tiếp tục dạy”.

Thực tế, khi giảng dạy online, việc phụ huynh, người thân học sinh lướt ngang khung hình, hoặc nhìn vào màn hình và chỉ trỏ là điều không hiếm gặp. Một số phụ huynh thậm chí còn ở trần hoặc ăn mặc luộm thuộm nhưng vẫn vô tư “lọt” vào khung hình camera…

Những tình huống trên dù gây khó chịu cho cả người dạy lẫn người học nhưng chưa ở mức độ nghiêm trọng. Mới đây, một giáo viên đã tá hỏa khi trong giờ dạy online của mình có tài khoản để chế độ chia sẻ clip sex lên màn hình chung của lớp học. Ngay lập tức, cô đã phải kết thúc cuộc họp và đăng nhập lại rồi tiếp tục giảng bài. Đây cũng là cách xử lý tốt nhất mà giáo viên có thể làm được nếu gặp tình huống trên.

* Xây dựng văn hóa ứng xử

Thực tế cho thấy, việc xây dựng, đưa ra quy chuẩn về văn hóa ứng xử trong dạy và học online là rất cần thiết. Những nguyên tắc ứng xử này không chỉ cần sự thống nhất, chấp hành của giáo viên, học sinh mà còn cần có sự hợp tác của phụ huynh.

Chẳng hạn, phụ huynh có thể theo dõi việc học của con và nhắc nhở nếu con vi phạm nội quy lớp học (tự ý mở mic, tự ý vẽ lên màn hình chung, nhắn tin trong giờ học…). Bản thân phụ huynh cũng phải “ý tứ” và tuân thủ các quy tắc ứng xử mà nhà trường đưa ra.

Thầy Hoàng Văn Tâm, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) cho hay: “Trước khi dạy học, nhà trường đã đưa ra quy định cụ thể về văn hóa, phong cách, tác phong của giáo viên, học sinh. Đa phần học sinh đều thực hiện tốt. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có không gian học tập riêng nên khó tránh khỏi hình ảnh phụ huynh đi qua đi lại, hiếu kỳ nhìn vào lớp học. Giáo viên hiểu và thông cảm, nhưng về phía phụ huynh cũng nên cố gắng dành không gian riêng cho con, chú ý mặc đồ lịch sự, hạn chế xuất hiện trước camera…”.

Đồng tình với ý kiến của thầy Tâm, cô Nguyễn A Say, giảng viên Trường đại học Văn Hiến (TP.HCM) cho biết, dù đã có quy định chung nhưng trong các buổi học, cô đều phải khuyên học sinh tìm cho mình một không gian học tập thật yên tĩnh. Sinh viên nên dặn trước cha mẹ không nên to tiếng hoặc đi qua đi lại làm ảnh hưởng lớp học. Cha mẹ cũng đừng sai vặt con trong thời gian con đang học.

“Học online có rất nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất chính là giao tiếp. Nếu dạy và học trực tiếp, chỉ cần nhìn vào đôi mắt của học sinh, thầy cô như được tiếp thêm động lực thì nay, trong không gian mạng, đường truyền chập chờn, chỉ nhìn vào máy tính, cảm xúc dường như trôi tuột. Để khắc phục điều đó, sự tương tác của thầy và trò vô cùng quan trọng, ngoài việc cố gắng mở camera, mở mic phát biểu, thì việc linh hoạt sử dụng những icon trong phần mềm cũng phần nào giúp nâng cao cảm xúc của thầy và trò” - cô Nguyễn A Say chia sẻ thêm.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202110/xay-dung-van-hoa-ung-xu-khi-day-va-hoc-online-3081820/