Xây dựng Việt Nam hùng cường từ tinh thần dân tộc

Để đạt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao, tinh thần dân tộc cần được phát huy, nhất là đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, tinh thần dân tộc cần được phát huy, nhất là đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Ảnh minh họa

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Ảnh minh họa

Cơ hội lịch sử đang mở ra…

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu trên, các cơ hội lịch sử đang mở ra rất lớn. Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm: “Sau gần 80 năm độc lập và gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho rằng, cơ hội để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đang rộng mở, nhất là trong bối cảnh đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của quốc gia.

Hơn 20 năm trước, vào ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Đây cũng là ngày mà vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, nhìn nhận vai trò ngày càng quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ phát triển kinh tế, trên cơ sở tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết 09, ngày 10/10/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới với những quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới và đặt vai trò đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2004, số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ có khoảng 92 nghìn doanh nghiệp, thì đến năm 2024 Việt Nam đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ gần 30 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh” - Chủ tịch VCCI nêu thông tin.

Đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Trong đó, nổi bật là những thương hiệu như VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm…

Trong số đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Doanh nghiệp Việt Nam đang khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Việt Nam đang khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa

Tinh thần dân tộc đưa Việt Nam vươn xa

Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra vào tháng 12/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc nhiều đến tinh thần dân tộc trong bối cảnh đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Theo đó, tinh thần ấy phải được thấm nhuần đến từng người dân Việt Nam khi đặt họ ở vị trí người tiêu dùng. Tinh thần dân tộc cũng chính là động lực để doanh nghiệp Việt tiếp tục cống hiến, đóng góp vào hành trình “vươn mình” của dân tộc Việt.

Trong câu chuyện của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc đến tinh thần dân tộc, khát vọng khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, điển hình là câu chuyện của hãng ô tô Việt Nam - VinFast.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, từ con số 0, nhưng với tầm nhìn táo bạo, khả năng thích ứng nhanh chóng và ý chí kiên định của đội ngũ lãnh đạo, VinFast đã vươn lên trở thành hãng xe hơi số 1 tại thị trường Việt Nam chỉ sau 5 năm hoạt động. Đặc biệt, “không chỉ chinh phục được thị trường nội địa, mà còn tạo ra một bước tiến mạnh mẽ vươn tầm quốc tế. Trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, có thể thấy rất ít, nếu không muốn nói là chưa từng có hãng xe nào trong khoảng thời gian ngắn như vậy có thể làm được như VinFast” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Bên cạnh VinFast là câu chuyện của ngành tôm. Trong gần 3 thập kỷ qua, nghề nuôi tôm của Việt Nam đã chuyển mình theo phương thức từ nuôi quảng canh, đến bán thâm canh, rồi thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao. Hiện nay, tôm luôn được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp đất nước, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến trong năm 2024 đạt khoảng 5 tỷ USD.

Cũng gần 3 thập kỷ qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước chủ động các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm như sản xuất tôm giống, thuốc điều trị bệnh tôm, vùng nuôi tôm thương phẩm và chế biến tôm xuất khẩu. Thế nhưng, vẫn còn một lĩnh vực là thức ăn tôm - vật tư chiếm 50% giá thành sản xuất, Việt Nam ta vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Trăn trở về sự nghiệp phát triển bền vững của ngành nuôi tôm Việt Nam, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hoàn toàn làm chủ công nghệ kỹ thuật và chủ động trong sản xuất, giúp lĩnh vực nuôi và chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế khốc liệt và vươn lên vị trí đứng đầu thế giới, tháng 6/2020, thương hiệu thức ăn tôm đầu tiên của người Việt – GrowMax đã ra đời.

Bằng sự kết hợp hài hòa đóng góp trí tuệ của đội ngũ hơn 400 các nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật lành nghề với bề dày kinh nghiệm trên 20 năm nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất thức ăn tôm cả trong và ngoài nước, chỉ sau 5 năm “trình làng”, GrowMax đã vượt qua 18 thương hiệu quốc tế lâu năm khác tại Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 2 toàn quốc cả về sản lượng và thị phần.

VinFast và GrowMax chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ điển hình về tinh thần dân tộc trong đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tinh thần ấy sẽ ngày càng được phát huy và lan tỏa hơn nữa nhằm thực hiện khát vọng Việt Nam 2045, bởi theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Thời gian qua, nhiều doanh nhân Việt Nam đã không chỉ quan tâm đến uy tín về chất lượng, thương hiệu sản phẩm mà còn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội với quốc gia, dân tộc.

“Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang khát khao và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để được góp phần đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng” - Chủ tịch VCCI nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Trong đó, nổi bật là những thương hiệu như VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm…

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-viet-nam-hung-cuong-tu-tinh-than-dan-toc-371344.html