Xây dựng Vĩnh Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Theo mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2050, tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Sáng ngày 23/3, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo mục tiêu, đến năm 2030, Vĩnh Long sẽ trở thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn mỗi năm đạt khoảng 7%.
Tỷ trọng khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 26%, công nghiệp, xây dựng khoảng 25%, dịch vụ chiếm khoảng 45%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 144 triệu đồng.
Theo quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung phát triển 2 vùng kinh tế - xã hội. Vùng phía Tây Bắc, gồm: thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện: Bình Tân, Long Hồ và Tam Bình là vùng động lực phát triển của tỉnh, trong đó, thành phố Vĩnh Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển đô thị, dịch vụ (thương mại, du lịch sinh thái, logistics), công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; kết nối giao thông với các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL.
Vùng phía Đông Nam, gồm các huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, văn hóa, công nghiệp.
Cùng với đó, tuyến Quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long - huyện Long Hồ (đô thị Phú Qưới) - thị xã Bình Minh được xác định là trục động lực phát triển của tỉnh, tập trung phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, logistics.
Ngoài ra, 2 hành lang kinh tế gồm: hành lang kinh tế dọc sông Hậu và hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên được tỉnh tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2023 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở để tỉnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL.
Để triển khai hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong quy hoạch của tỉnh Vĩnh Long, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Long rất mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, sự đồng hành của nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thời gian tới.
“Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Tỉnh luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án và phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng tỉnh Vĩnh Long đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng đề nghị tỉnh trên cơ sơ quy hoạch, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển toàn diện văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước và nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng nhấn mạnh, Vĩnh Long hiện là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ nhiều nhà lãnh đạo ưu tú của đất nước.
"Vì vậy, thời gian tới, đề nghị tỉnh chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, chú trọng phát triển hạ tầng, giảm chi phí logistics", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Vĩnh Long tập trung làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; chú trọng các động lực tăng trưởng mới nhất là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ; chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở lấy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo làm nền tảng.
Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo và lò gạch gốm Mang Thít để tạo thương hiệu du lịch của tỉnh.
Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cùng chia sẻ, cùng lắng nghe, cùng trao đổi về tầm nhìn, cùng tư duy hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
"Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; các bộ, ngành đã nói thì phải làm; đã cam kết thì phải thực hiện và thực hiện phải có kết quả thực chất", Thủ tướng yêu cầu.
Cũng tại sự kiện lần này, tỉnh Vĩnh Long xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch. Đây là những thế mạnh của tỉnh, kỳ vọng sẽ tạo đà giúp kinh tế địa phương phát triển tốt hơn nữa.