Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu
Ngày 29-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai Đề án thí điểm Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2022 - 2025. Tham dự có lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, ngành hàng, UBND các tỉnh tham gia đề án.
Dự tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng có đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Sở.
Đề án được Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng và sẽ được triển khai thí điểm tại 14 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang và Sóc Trăng. Theo đó, đề án chia làm 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (2022 - 2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án; giai đoạn 2 (2024 - 2025) hoàn thiện các nội dung Đề án về khuyến nông và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho hợp tác xã (HTX), người dân phát triển, củng cố nâng cao năng lực cho HTX và thành viên HTX, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông, thực hiện các chính sách tín dụng, bảo hiểm…; mở rộng xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thông tin, mục tiêu của đề án là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phát triển, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành nguyên liệu sản phẩm, nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ. Tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương. Sau hiệu quả việc triển khai thí điểm đề án sẽ nhân rộng đến các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.