Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Đông Sơn
Đến xã Đông Tiến (Đông Sơn) vào một chiều tháng 9, ấn tượng đầu tiên để lại trong tôi đó là cơ sở làm việc của bộ phận 'một cửa' được xây dựng khang trang nằm ngay trên trục Quốc lộ 45, đầu cổng vào trụ sở UBND xã, rất thuận lợi cho người dân đến giao dịch.
Nhiều công trình hạ tầng của xã nông thôn mới Đông Tiến được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Chị Nguyễn Thị Liên, công chức tư pháp – hộ tịch xã niềm nở giới thiệu chúng tôi về các quy trình trong bộ phận “một cửa”; đồng thời cho biết: Thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã là 1 trong 5 tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL) cấp xã. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM), công tác xây dựng xã CTCPL là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trong 5 tiêu chí (bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở) xã đã giao cho công chức tư pháp – hộ tịch tham mưu thực hiện từng chỉ tiêu, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn tổ hòa giải, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên. Đến nay, xã có 8 tổ hòa giải với 48 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã kịp thời giải quyết các tranh chấp, xích mích ngay từ cơ sở. Nhờ đó, 9 tháng năm 2019, xã không có tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Trong thực hiện quy chế dân chủ, mọi công việc, kế hoạch của xã được công khai, căn cứ theo đó, chính quyền địa phương phát động các phong trào thi đua để cán bộ, nhân dân thực hiện. Đến nay, 5 tiêu chí của xã đạt CTCPL luôn được địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện cho người dân ngày càng có cơ hội tiếp cận pháp luật vào thực tiễn đời sống để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bà Thiều Thị Kim, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đông Sơn, cho biết: Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đã bổ sung tiêu chí “đạt CTCPL” trong Bộ Tiêu chí NTM. Thực hiện Quyết định 1600/QĐ-TTg và Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL, phòng tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện các quyết định; đồng thời, chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện, gồm 13 người. Sau khi được thành lập, hội đồng ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các ủy viên hội đồng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xem xét, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, trên cơ sở đó tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định công nhận các xã, thị trấn đạt CTCPL hàng năm. Phòng tư pháp - cơ quan thường trực của hội đồng ban hành công văn hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật của xã, thị trấn.
Theo đó, các xã, thị trấn tổ chức đánh giá kết quả đạt CTCPL theo 5 tiêu chí thành phần với 25 chỉ tiêu. Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa. Phải có kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa. Trong năm, không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật...
Theo thống kê, phần lớn các xã đều đạt từ 90-97 điểm; kết quả đánh giá sự hài lòng đạt 100%, có địa phương gần đạt điểm tuyệt đối, như: Thị trấn đạt 97.5 điểm, các xã Đông Tiến, Đông Ninh, Đông Thịnh đạt 95 điểm.
Qua đánh giá 2 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng địa phương đạt CTCPL nên được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các tiêu chí tiếp cận pháp luật đều là những nội dung, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, thị trấn đã triển khai thực hiện thường xuyên, được điều chỉnh trong nhiều luật, Pháp lệnh, như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở; pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn năm 2007. Nội dung của nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí đã được quy định cụ thể trong các văn bản luật và dưới luật thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã, thị trấn phải bảo đảm thực hiện. Thể chế, chính sách, pháp luật đầy đủ; đội ngũ cán bộ, công chức được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ này được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ nên khi triển khai rất thuận tiện. Ngoài ra, qua đánh giá địa phương đạt CTCPL, ý thức trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cán bộ, nhân dân trong thi hành và chấp hành pháp luật được nâng cao, tạo điều kiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người dân ở cơ sở tiếp cận thông tin liên quan đến đời sống của mình cũng như các chế độ, chính sách xã hội được hưởng theo quy định...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, như: Việc chỉ đạo thực hiện công tác triển khai, xây dựng xã, thị trấn đạt CTCPL ở một số địa phương còn chưa kịp thời, chưa bám sát yêu cầu. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực bảo đảm của nhiều địa phương cho hoạt động thực thi công vụ còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị và hoạt động của chính quyền cấp xã, do vậy nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác đánh giá, chấm điểm; chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các cán bộ, công chức tham gia đánh giá để có sự đánh giá toàn diện, tổng thể đối với công tác xây dựng xã, thị trấn đạt CTCPL, nhiều địa phương còn coi đây là nhiệm vụ của công chức tư pháp.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quyết định số 619/QĐ-UBND của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Tăng cường quản lý cán bộ, công chức cấp xã không để xảy ra vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra khi thi hành công vụ. Chú trọng triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC phục vụ cho công tác đánh giá xã, thị trấn đạt CTCPL theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tăng cường tiếp cận thông tin về pháp luật cho người dân tại cơ sở. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và bảo đảm việc đánh giá xã đạt CTCPL thực chất, không chạy theo thành tích, phát huy ý nghĩa, vai trò và mục đích trong xây dựng NTM. Phấn đấu hằng năm, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt CTCPL.