Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL sẽ giúp chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn.
Your browser does not support the audio element.
Tây Phong là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018 của huyện Cao Phong. Đánh giá việc thực hiện chuẩn TCPL trong xây dựng xã NTM, đồng chí Bùi Văn Bền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tiêu chí này giúp địa phương quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tăng cường ý thức thực thi pháp luật của từng cán bộ, công chức, tạo cho người dân nhận thức rõ hơn quyền, nghĩa vụ của mình theo Hiến pháp, pháp luật. Xã xác định vai trò quan trọng của nhiệm vụ này nói riêng và pháp luật nói chung trong xây dựng NTM. Giữ vững mục tiêu bảo đảm ANCT - TTATXH khu vực nông thôn; giải quyết có hiệu quả, kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn dân cư; hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Để được công nhận chuẩn TCPL, đơn vị cấp xã phải đạt 5 chỉ tiêu: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải cơ sở; thực hiện dân chủ cơ sở. UBND tỉnh trực tiếp giao Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL theo đúng quy định.
Thời gian qua, phòng chuyên môn của Sở Tư pháp đã đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nói chung, các tiêu chí TCPL nói riêng đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân, đồng thời giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, nhất là đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch trong tham mưu lãnh đạo UBND cùng cấp hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí, thiết lập hoàn chỉnh bộ hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn TCPL. Đến nay, đã có 141/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (122/131 xã, 19/20 phường, thị trấn); 10 đơn vị chưa đạt chuẩn TCPL, gồm 9 xã, 1 phường.
Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trong thời gian tới, góp phần hoàn thành Chương trình MTQG về xây dựng NTM, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần nhận thức đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL; xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó, chính quyền cơ sở giữ vai trò nòng cốt. Ngoài ra, cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đánh giá, chấm điểm các tiêu chí TCPL và công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL cho công chức được giao tham mưu, theo dõi thực hiện đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu TCPL. Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL cấp huyện thực hiện đánh giá khách quan, nghiêm túc kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn TCPL đối với từng đơn vị cấp xã; chấn chỉnh, khắc phục nội dung tiêu chí còn thấp điểm cho phù hợp thực tế của địa phương. UBND cấp xã cần chỉ đạo quyết liệt, phân công trách nhiệm cụ thể tới từng cán bộ, công chức cấp xã, trong đó, giao công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp cán bộ, công chức liên quan trong tham mưu xây dựng các tiêu chí chuẩn TCPL. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí kinh phí triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL...