Xây dựng xã, thôn điển hình ở Yên Minh
Thực hiện định hướng, chỉ đạo của tỉnh về phát triển xã, thôn điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp (KTNN), giai đoạn 2017 – 2020; huyện Yên Minh đã lựa chọn 4 xã và 57 thôn. Trong đó, năm 2017 triển khai thí điểm 1 xã và 1 thôn; năm 2018 thực hiện 2 xã và 27 thôn; năm 2019 thực hiện 1 xã, 14 thôn và năm 2020 thực hiện các thôn còn lại. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, kết quả chưa đạt như mong đợi.
Để hoàn thành mục tiêu đưa các xã, thôn đạt các tiêu chí điển hình về KTNN, huyện Yên Minh đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở lựa chọn các loại cây, con có tiềm năng, lợi thế và giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, như: Lúa thuần chất lượng cao, Hồng không hạt, đậu tương, xoài, dứa, con bò, ong, lợn đen, gà… Đồng thời đẩy mạnh thâm canh, chuyên canh và thực hiện sản xuất theo phương châm “5 cùng”, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tổ chức lại sản xuất cho nông dân thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, nhóm sở thích và HTX; tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cho người dân. Bố trí, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn mục tiêu Quốc gia 135, 30a và vốn lồng ghép, các chính sách của T.Ư, tỉnh, huyện. UBND huyện Yên Minh đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng phòng, ban chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tổ chức thực hiện hoàn thành từng tiêu chí xã, thôn điển hình.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, mới có 1 xã đạt 3/10 tiêu chí xã điển hình, 2 xã đạt 2/10 tiêu chí; chưa có thôn nào trở thành thôn phát triển toàn diện về nông nghiệp. Hữu Vinh, xã triển khai đầu tiên của huyện, với lợi thế khi là một trong 4 xã điểm xây dựng NTM và được lựa chọn xây dựng trở thành xã điển hình về phát triển KTNN toàn diện, gắn với xây dựng NTM của huyện. Dù rất nỗ lực xây dựng các mô hình kinh tế, nhưng với xuất phát điểm thấp, sự thiếu đồng nhất trong định hướng chỉ đạo, triển khai; đến nay, xã mới đạt 2/10 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã, thôn điển hình về phát triển KTNN.
Theo Bộ tiêu chí xã, thôn điển hình về phát triển KTNN, tỉnh đang áp dụng: Thu nhập bình quân đầu người của thôn, xã vùng 3 phải đạt 24 triệu đồng; các thôn, xã thuộc vùng khác 36 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất canh tác ở thôn, xã đặc biệt khó khăn phải đạt 34 triệu đồng, còn lại đạt từ 43 đến 50 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xã, thôn vùng III phải từ 12% trở xuống, các xã, thôn khác là 10%; tỷ lệ hộ thâm canh cây trồng theo kỹ thuật từ 80 – 95%; diện tích đồn điền đổi thửa tập trung phải từ 2 ha trở lên. Hay tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của khâu làm đất theo giai đoạn 2017 – 2020 từ 34 đến 65%; khâu gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 6 đến 37%; khâu thu hoạch từ 32 đến 63% và khâu chế biến thô thức ăn chăn nuôi từ 19 đến 50%... Đây đều là chỉ tiêu cao, thậm chí một số còn cao hơn tiêu chí đạt chuẩn NTM đang được áp dụng, với điều kiện tự nhiên, sự phát triển KT – XH ở Yên Minh nói riêng và các huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh nói chung, để hoàn thành các tiêu chí này trong thời gian ngắn là rất khó.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phạm Xuân Diệu, cho biết: Đầu năm 2019, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng xã Hữu Vinh trở thành xã điển hình phát triển KTNN gắn với xây dựng NTM... Tuy nhiên, với tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chiếm gần 50%; cơ sở hạ tầng thiết yếu còn nhiều thiếu thốn; nguồn vốn đầu tư hạn chế; đời sống và nhận thức của phần lớn người dân thấp so với mặt bằng chung của tỉnh... nên đến nay, kết quả chưa đạt như mong đợi. Để các xã, thôn thực sự trở thành điển hình rất cần có thêm thời gian; ngoài ra, tỉnh nên cho chủ trương điều chỉnh lại chỉ tiêu trong các tiêu chí để phù hợp với điều kiện KT – XH của từng vùng, từng địa phương và bổ sung kinh phí cho các địa phương...
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201907/xay-dung-xa-thon-dien-hinh-o-yen-minh-747227/