Xây lắp cơ khí tăng mạnh, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) lãi gần 300 tỷ đồng trong quý 1
So với các mục tiêu kinh doanh sơ bộ được công bố hồi giữa tháng 1/2025, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) đã hoàn thành hơn 38% mục tiêu lãi cả năm sau quý 1/2025.
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với doanh thu thuần đạt gần 6.014 tỷ đồng, tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm 2024. Đà tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng xây lắp cơ khí (M&C) với doanh thu đạt gần 3.973 tỷ đồng, chiếm 66% tổng doanh thu. Theo sau là mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí (1.988 tỷ đồng) và mảng bán hàng (53 tỷ đồng).
Tuy nhiên, giá vốn tăng tới 66,8%, cao hơn tốc độ tăng doanh thu, khiến lợi nhuận gộp giảm nhẹ còn 257,1 tỷ đồng.
Trong kỳ, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng tới gần 126%, đạt xấp xỉ 340 tỷ đồng, chủ yếu do lãi chênh lệch do đánh giá lại tài sản và lãi chênh lệch tỷ giá tăng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gần 139%, đạt 33,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 3% lên 22,7 tỷ đồng; và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 82%, đạt 372,8 tỷ đồng.

Mảng xây lắp cơ khí chiếm đến 66% tổng doanh thu của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong quý 1/2025.
Kết quả, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thu về gần 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ 1,6% so với quý 1/2024. Bóc tách dữ liệu cho thấy, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 331,5 tỷ đồng, tăng hơn 10%; trong khi phần lợi nhuận của cổ đông không kiểm soát ghi nhận mức lỗ gần 32 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 diễn ra giữa tháng 1/2025, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 22.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 780 tỷ đồng. Như vậy, Tổng công ty đã hoàn thành 26,7% mục tiêu doanh thu và 38,4% mục tiêu lợi nhuận.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/5 tới đây. Hiện Tổng công ty chưa công bố thông tin chi tiết về tài liệu phục vụ họp Đại hội.
Theo đánh giá gần nhất của Chứng khoán Dầu khí, với thế mạnh là doanh nghiệp xây lắp cơ khí, công trình dầu khí ngoài khơi hàng đầu Việt Nam, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng gia tăng đầu tư cho phân khúc thượng nguồn.
S&P Global hiện dự báo vốn đầu tư toàn cầu cho phân khúc thượng nguồn ngành dầu khí sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 4% trong giai đoạn 2023 - 2027. Trung Đông dự kiến là khu vực dẫn dắt hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) toàn cầu, theo sau là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, sự suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện tại càng tạo động lực thúc đẩy ngành dầu khí Việt Nam nhanh chóng triển khai các dự án mới. Điển hình là “siêu” dự án khí điện Lô B - Ô Môn với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD đang được quyết liệt triển khai. Loạt dự án dầu khí mới như Lạc Đà Vàng, Cá Tầm, và Sư Tử Trắng 2B… đã và sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2026.
Chứng khoán Dầu khí hiện ước tính lượng backlog trong mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2025 dự kiến sẽ lên tới 34.206 tỷ đồng (tương đương 1,34 tỷ USD), gồm 12.749 tỷ đồng trong năm 2024 (tăng 14% so với năm 2023) và 21.457 tỷ đồng trong năm 2025 (tăng 68% so với năm 2024). Đây đều là những giá trị cao kỷ lục trong ít nhất 10 năm trở lại đây kể từ thời kỳ “vàng son” gần nhất của ngành dầu khí Việt Nam.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 35.208,5 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cuối năm 2024. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền lên tới 12.331 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2024, chiếm 35% tổng tài sản.