Xây lắp và thủy điện đi ngang, Đạt Phương chờ bứt phá từ bất động sản

Mảng xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công, thủy điện mang lại dòng tiền ổn định và tham vọng mới từ kính siêu trắng hứa hẹn tạo động lực tăng trưởng cho Đạt Phương.

Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Đạt Phương năm 2025 đã thông qua kế hoạch tăng trưởng kinh doanh đầy tham vọng, với bệ đỡ từ mảng xây lắp, thủy điện và tâm điểm bứt phá trong chu kỳ tới sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản.

Ban lãnh đạo Đạt Phương đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.755,5 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 416,9 tỷ đồng, tương đương mức tăng 21,5%.

Trong đó, lĩnh vực xây dựng vẫn là cốt lõi của tập đoàn khi đóng góp gần 80% doanh thu, hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, xây dựng hạ tầng của đất nước.

Tuy nhiên, trong cơ cấu lợi nhuận, tăng trưởng chính sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản khi mảng này dự kiến lãi 60 tỷ đồng trong năm 2025, vượt trội so với mức lỗ 27 tỷ đồng năm ngoái.

Các lĩnh vực xây lắp và thủy điện dự kiến lợi nhuận đi ngang hoặc tăng trưởng nhẹ. Ban lãnh đạo Đạt Phương cho biết, lĩnh vực xây lắp không còn là nguồn tạo ra lợi nhuận đột biến cho tập đoàn như giai đoạn trước.

Thay vào đó, "điểm bứt phá" của Đạt Phương được đặt tại lĩnh vực bất động sản. Năm nay, bất động sản dự kiến đóng góp khoảng 500 tỷ đồng doanh thu.

Dù trọng số chưa lớn, song với hàng loạt dự án tiềm năng, Đạt Phương kỳ vọng sẽ 'hái quả ngọt' trong chu kỳ năm năm tới.

Điểm rơi doanh thu mảng xây lắp

Nhờ vào kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, mảng xây lắp của Đạt Phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ từ năm 2021.

Đặc biệt năm 2023, tập đoàn đã trúng được 14 gói thầu mới với tổng giá trị xấp xỉ 8.000 tỷ đồng và năm 2024 trúng được 7 gói thầu mới với tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng.

Qua đó, tổng giá trị backlog tính đến cuối năm 2024 đạt hơn 5.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần doanh thu mảng xây lắp năm 2024. Đây sẽ là cơ sở để Đạt Phương đẩy mạnh ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi bước vào giai đoạn hoàn thành các dự án trong 2025 và 2026.

Chia sẻ về lượng backlog và ký mới, đại diện công ty cho biết ngay trong quý I/2025, công ty đã đấu thầu thành công các hợp đồng trị giá 3.000-4.000 tỷ đồng, đảm bảo khối lượng công việc cho cả năm.

“Giai đoạn 2025-2030 là thời điểm vàng cho xây dựng hạ tầng. Chúng tôi đã chuẩn bị năng lực để tham gia các dự án lớn, bao gồm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng biên lợi nhuận của mảng xây dựng không còn cao như trước do cạnh tranh gay gắt, khiến lĩnh vực này khó tạo ra lợi nhuận đột biến.

Dù vậy, với năng lực quản lý dự án và đội ngũ nhân sự tinh nghề, Đạt Phương vẫn duy trì lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ xây dựng.

Một lĩnh vực dự kiến cũng sẽ duy trì ổn định trong các năm tới là thủy điện. Đạt Phương hiện có 4 nhà máy thủy điện ở Quảng Nam và Quảng Ngãi là: Sông Bung 6, Sơn Trà 1A, SơnTrà 1B, SơnTrà 1C, với tổng công suất của 4 nhà máy là 98 MW.

Quảng Nam và Quảng Ngãi là các tỉnh nơi Quy hoạch điện 8 tập trung vào phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2021 – 2030.

Ban lãnh đạo Đạt Phương cho biết, lĩnh vực thủy điện sẽ tiếp tục là nguồn doanh thu ổn định với dự kiến đóng góp 486,2 tỷ đồng trong năm 2025.

"Dù không phải động lực tăng trưởng chính, thủy điện mang lại dòng tiền đều đặn, giúp Đạt Phương cân đối nguồn vốn cho các lĩnh vực đầu tư mới. Sự ổn định này đặc biệt quan trọng khi công ty đang đẩy mạnh các dự án vốn lớn như nhà máy kính hoa siêu trắng và bất động sản", ông Tuấn chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT Đạt Phương Lương Minh Tuấn (trái) điều hành đại hội đồng cổ đông 2025. Ảnh: DN

Chủ tịch HĐQT Đạt Phương Lương Minh Tuấn (trái) điều hành đại hội đồng cổ đông 2025. Ảnh: DN

Điểm rơi lợi nhuận bất động sản

Năm 2024 là năm đầy thách thức với lĩnh vực bất động sản của Đạt Phương do các vướng mắc pháp lý liên quan đến định giá đất tại dự án Cồn Tiến (Quảng Nam).

Do dự án không thể mở bán, công ty con phụ trách bất động sản là Đạt Phương Hội An đã lỗ sau thuế 27,4 tỷ đồng trong năm 2024.

Mặc dù vậy, ban lãnh đạo tập đoàn chia sẻ năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt khi công ty đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục pháp lý và mở bán 120 căn biệt thự tại Cồn Tiến từ cuối quý II, với kế hoạch tiêu thụ 50% sản phẩm trong năm.

“Chúng tôi đã cơ bản được duyệt định giá đất đợt đầu và đang đẩy nhanh các bước tiếp theo. Tuy nhiên, doanh thu bất động sản chỉ ghi nhận khi bàn giao nhà, nên phần lớn sẽ rơi vào năm 2026-2027”, Chủ tịch HĐQT Lương Minh Tuấn nhấn mạnh tại Đại hội.

Dự kiến, mảng này đóng góp hơn 519 tỷ đồng doanh thu trong năm 2025, nhưng con số thực tế có thể thấp hơn nếu việc bàn giao bị trì hoãn.

Các dự án khác như Casamia Balanca và Thăng Bình (Quảng Nam) cũng đang được xúc tiến, đặc biệt dự án Thăng Bình được chính quyền địa phương giao lại cho Đạt Phương mà không phải đấu thầu, tạo thuận lợi đáng kể.

Dù vậy, với tổng tiền sử dụng đất tại Cồn Tiến lên đến 1.000 tỷ đồng và các chi phí phát sinh (bao gồm 5,4% phí chậm nộp từ năm 2025), áp lực tài chính trong ngắn hạn vẫn là bài toán cần giải.

Đạt Phương đang nỗ lực hoàn thiện pháp lý để đảm bảo tiến độ bán hàng, đồng thời nghiên cứu mở rộng các dự án bất động sản cao cấp tại nhiều địa phương, hướng đến sứ mệnh “kiến tạo môi trường sống hòa hợp với thiên nhiên.”

Khai thác mỏ tạo “bàn đạp” cho mảng kính siêu trắng

Một trong những điểm nhấn chiến lược của Đạt Phương là tham vọng trong lĩnh vực sản xuất kính hoa siêu trắng, phục vụ tấm pin năng lượng mặt trời.

Nhà máy kính tại Huế, khởi công tháng 3/2025 với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành từ quý II/2026.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy có công suất giai đoạn đầu 400 tấn/ngày, mở rộng lên 1.200 tấn/ngày ở giai đoạn hai, kỳ vọng mang lại doanh thu 1.200-1.500 tỷ đồng/năm với thời gian hoàn vốn 5-6 năm.

Điểm mạnh của dự án nằm ở nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ mỏ cát tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế), có hàm lượng sắt thấp, lý tưởng cho sản xuất kính siêu trắng.

Đạt Phương đã được tỉnh cấp phép khai thác mỏ 3ha, đủ sản xuất hơn 15 triệu m2 kính/năm trong vòng 10 năm, và đang đề xuất khai thác thêm mỏ mới với diện tích khoảng 169ha để đáp ứng nhu cầu trong 30-40 năm tới.

Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư nhà máy tuyển rửa cát, chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị cao như bột luyện cho điện tử hoặc cát mộng nhựa cho cơ khí chính xác, dự kiến mang lại doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Thị trường mục tiêu của nhà máy là trong nước và xuất khẩu sang châu Âu, nơi nhu cầu kính năng lượng mặt trời tăng mạnh do xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch, đặc biệt sau cuộc chiến Nga – Ukraine.

Đạt Phương còn có lợi thế cạnh tranh về thuế bị áp chỉ ở mức 3% khi xuất sang châu Âu, so với 9% từ Trung Quốc.

Thêm nữa, nguồn silicat chất lượng cao cũng giúp giảm chi phí sản xuất so với các đối thủ Trung Quốc. Ngoài ra, nhà máy có khả năng tùy chỉnh sản xuất kính cán siêu trắng cho nội thất, mở rộng tiềm năng thị trường.

Nhìn xa hơn, mảng kính hoa siêu trắng được kỳ vọng có thể trở thành động lực tăng trưởng mới của Đạt Phương từ năm 2026, khi nhà máy tại Huế bắt đầu vận hành.

Với tiềm năng doanh thu 1.200-1.500 tỷ đồng/năm và khả năng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, lĩnh vực này không chỉ củng cố hệ sinh thái Đạt Phương mà còn đánh dấu bước chuyển mình từ một nhà thầu xây dựng sang một tập đoàn đa ngành hàng đầu.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/xay-lap-va-thuy-dien-di-ngang-dat-phuong-cho-but-pha-tu-bat-dong-san-d39817.html