Xây mới, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội: Công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát

Trong năm 2025, Hà Nội sẽ đầu tư xây mới, xây dựng lại 34 chợ dân sinh và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 71 chợ. Thành phố yêu cầu các dự án xây mới hoặc cải tạo lại chợ phải giải quyết cơ bản được vấn đề dân sinh bức xúc, giảm khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về chợ. Phải công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng chợ.

Giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố năm 2025 nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về chợ.

Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tập trung rà soát kỹ từng vụ việc khiếu kiện, làm rõ nguyên nhân; giải quyết dứt điểm các vụ việc có tụ tập đông người, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài liên quan đến công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ; ưu tiên giải quyết vụ việc tồn đọng.

Dự án chợ dân sinh Hợp Nhất có từ năm 2016, đến giờ các tiểu thương vẫn phải kinh doanh ở khu chợ tạm. Ảnh: K.H.

Dự án chợ dân sinh Hợp Nhất có từ năm 2016, đến giờ các tiểu thương vẫn phải kinh doanh ở khu chợ tạm. Ảnh: K.H.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự đối với các chợ trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, làm tốt công tác công khai các thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận ngay trước, trong và sau khi triển khai các chủ trương, chính sách đối với việc phát triển, quản lý, kinh doanh khai thác chợ.

Cùng với đó các đơn vị liên quan phải đảm bảo thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán tại chợ; hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, mất an ninh trật tự; đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Tại dự án chợ dân sinh Hợp Nhất, địa chỉ tại 221 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, sau khi biết được chủ trương mới của Thành phố, nhiều tiểu thương kinh doanh tại đây rất vui mừng vì dự án chợ có từ năm 2016, nhưng đến nay chợ mới chưa được xây còn các tiểu thương vẫn phải kinh doanh ở chợ tạm, nóng về mùa hè, lạnh về mùa đông và hễ mưa to là ngập lụt.

Làm việc với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường nhấn mạnh, dự án hiện đã xong 99,9%. Vướng mắc ở đây là do một hộ dân đã nhận hỗ trợ đền bù, nhưng không chịu chuyển đi.

Không phải đợi đến khi Thành phố ban hành kế hoạch phát triển, quản lý chợ, về phía UBND quận Cầu Giấy luôn chủ động trong việc giải quyết ngay từ ban đầu các vướng mắc hay kiến nghị của các bên liên quan. Chẳng hạn, tại dự án chơ dân sinh Hợp Nhất, UBND quận cũng yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm kịp thời phản ánh tới quận và các đơn vị liên quan về các vướng mắc, kể cả vướng mắc về một trường hợp kia. Nếu cần, chủ đầu tư phải có văn bản đề xuất cưỡng chế, từ đó quận mới có căn cứ làm việc với các bộ phận liên quan.

Trong thời gian tới UBND quận Cầu Giấy sẽ làm việc, hướng dẫn nhà đầu tư liên hệ tới các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo quy định. Theo Kế hoạch phát triển, quản lý chợ của Thành phố, trong năm 2025 quận Cầu Giấy có một dự án xây mới chợ tại phường Quan Hoa.

Phải công khai, minh bạch thông tin liên quan đến đầu tư, xây dựng chợ

Năm 2025, trước khi tiến hành xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ, Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thiện mạng lưới chợ, đảm bảo các chợ hiện có hoặc sẽ đầu tư đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kinh doanh, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự; phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn.

Thành phố khuyến khích huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn một cách tổng thể, đồng bộ cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành, cả các phường trong nội đỗ, các thị trấn và các xã vùng nông thôn khó khăn, xa trung tâm.

UBND Thành phố yêu cầu công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng chợ. Trong ảnh, tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm Hợp Nhất, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: K.H.

UBND Thành phố yêu cầu công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng chợ. Trong ảnh, tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm Hợp Nhất, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: K.H.

Tại Kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đưa ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu 90% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định phê duyệt giá mới của UBND Thành phố; 100% các chợ phê duyệt sửa đổi Nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng... theo các quy định hiện hành.

Đối với hoạt động đầu tư xây chợ mới, xây dựng lại, Hà Nội dự kiến khởi công 34 chợ. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 4 chợ; huyện Quốc Oai 8 chợ; huyện Thanh Trì 5 chợ; huyện Thường Tín 3 chợ; huyện Mê Linh, Gia Lâm 2 chợ; còn lại quận Đống Đa, Hà Đông, Tây Hồ và huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đông Anh, thị xã Sơn Tây đều có 1 chợ.

Ngoài ra, về đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, dự kiến khởi công 71 chợ trên địa bàn Thành phố. Các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa, mỗi quận sẽ có 1 chợ; quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Phú Xuyên, Ba Vì, thị xã Sơn Tây, mỗi quận/huyện/thị xã có 2 chợ; quận Tây Hồ và huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh, mỗi quận/huyện 3 chợ; huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, mỗi huyện 4 chợ; huyện Ứng Hòa, Thường Tín, mỗi huyện 6 chợ; riêng huyện Phúc Thọ 8 chợ.

100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào Danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố.

UBND Thành phố yêu cầu, 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự.

Các sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan rà soát phân hạng các chợ trên địa bàn để trình Thành phố phê duyệt điều chỉnh lại các chợ xếp hạng theo đúng tiêu chuẩn quy định. Đối với các chợ không đủ tiêu chuẩn, chợ không còn diện tích đất đang họp trên đất của hộ gia đình, chợ thuộc diện giải tỏa, sát nhập, chợ quy hoạch đất cây xanh...báo cáo Thành phố đưa ra khỏi danh mục chợ trên địa bàn Thành phố.

Xây dựng lại phương án bố trí sắp xếp ngành hàng đối với các chợ đã có phương án nhưng không còn phù hợp để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp. Đối với các chợ chưa chuyển đổi mô hình quản lý, phải hoàn thiện hồ sơ về đất đai, tài sản công để đảm bảo đủ điều kiện đưa vào kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác giai đoạn 2026-2030, báo cáo UBND Thành phố xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đơn vị quản lý chợ, chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình phải công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình trong chợ, xây dựng lại chợ.

Khắc Hạnh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-moi-cai-tao-cho-tren-dia-ban-ha-noi-cong-khai-minh-bach-de-nguoi-dan-biet-va-giam-sat-182214.html