Xây nền công tác tư tưởng, văn hóa

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác tư tưởng, tuyên truyền, dân vận. Bên cạnh báo chí được coi là vũ khí sắc bén phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch thì văn học nghệ thuật (VHNT) là một bộ phận quan trọng, đảm nhiệm trọng trách xây nền công tác tư tưởng, văn hóa, ngăn ngừa 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'.

Văn học là nhân học

Đó là định nghĩa ngắn gọn về số lượng ngôn từ của nhà văn kiệt xuất người Nga Maxim Gorky, nhưng lại rộng mênh mang về ý nghĩa. Văn học khái quát bản chất con người, cuộc sống của mỗi quốc gia, dân tộc là điều không ai có thể phủ nhận. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” để nhấn mạnh vai trò của VHNT trong sự phát triển của đất nước.

Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng là nguồn cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật của rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Trong ảnh phụ nữ S'tiêng chia sẻ kinh nghiệm chế biến rượu cần - Ảnh: TL

Suốt chặng đường 4.000 năm lịch sử dân tộc, VHNT đã đồng hành, lớn lên cùng đất nước. Trong đó, riêng VHNT cách mạng đã có gần 100 năm. Với sứ mệnh trước hết là vì dân tộc Việt Nam, cũng như báo chí, VHNT cách mạng gửi gắm ước mơ, khát vọng của nhân dân và gắn liền hệ tư tưởng của Đảng. Chính vì thế, nói VHNT góp sức xây nền tư tưởng, văn hóa của một đất nước không phải là điều hoàn toàn mới.

Định hướng chân, thiện, mỹ

“Bước đầu tiên của VHNT là giải trí. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ giải trí thì giá trị của tác phẩm rất hạn chế. Sau tất cả phải là tính giáo dục, tính thẩm mỹ, định hướng chân, thiện, mỹ và cả một hệ tư tưởng. Đó mới là đích đến cuối cùng của nghệ thuật” - nhà văn Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Phước khẳng định.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới đã khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II trao đổi chuyên đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước trong sạch, vững mạnh” năm 2023 - Ảnh: Hoàng Vũ

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhận định: Lĩnh vực VHNT thời gian qua đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng vẫn còn một số lưu ý. Thực tế còn tình trạng một bộ phận chạy theo đồng tiền sáng tác những tác phẩm không mang tính khoa học, dân tộc và đại chúng. Trong khi đó, mục tiêu tấn công của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa, tư tưởng là không đổi. Họ tấn công văn hóa cách mạng từ trong con người để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi tác phẩm không tốt sẽ tác động rất lớn đến tư tưởng, thậm chí ảnh hưởng cả một thế hệ và cả dân tộc.

Như vậy, trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, VHNT cũng góp sức cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

VHNT có một lợi thế rất đặc biệt, đó là gần gũi và dễ đi vào lòng người. Những tác phẩm đặc sắc, giá trị, mang hơi thở cuộc sống có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh cho các thế hệ. Vì thế, thông qua VHNT để định hướng xây dựng các tác phẩm truyền động lực, niềm tin, khát vọng cống hiến cho sự phát triển đất nước cũng như đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch là điều cần đặc biệt quan tâm.

Nhà báo Phạm Hiến, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước phát biểu dịp họp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2024 - Ảnh: Quốc Việt

Nhà báo Phạm Hiến, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước cho rằng: Trong thời đại công nghệ 4.0, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, độ mở được nới rộng, VHNT dễ quảng bá và đến với mọi người, mọi thành phần trong xã hội nhanh hơn. Nhưng trên không gian mạng, tác phẩm tốt, xấu cũng không thiếu. Điều đó đòi hỏi phải có sự chọn lọc những tác phẩm thật sự có chất lượng, có giá trị tư tưởng cao và tính giáo dục tốt. Và để thực hiện cần kế thừa, tiếp tục phát huy tinh thần của Đề cương Văn hóa năm 1943 với 3 nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Đề cương Văn hóa năm 1943 đã dẫn đường, tập hợp những văn nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa và nhân dân đi theo con đường cách mạng của Đảng, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công. Vận dụng vào tình hình mới hiện nay, VHNT tạo sức mạnh đấu tranh cho sự tiến bộ, công bằng xã hội, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất từ tư tưởng đến ý chí và hành động trong mỗi người dân. Khi cái hay, cái đẹp, nhân tố điển hình được nhân rộng thông qua VHNT sẽ đánh dấu thành công của công tác tư tưởng, tuyên truyền, dân vận.

Cùng với báo chí, VHNT được Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng và coi đây là một trong những phương thức để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Và cũng như báo chí cách mạng, văn học cách mạng lãnh nhận sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, chung sức bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng.

Khánh Diễm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/162263/xay-nen-cong-tac-tu-tuong-van-hoa