Xây nền tảng đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đổi mới
NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
(Tiếp theo kỳ trước)
Để việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của đảng bộ các cấp trong tỉnh một cách đồng bộ, hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong những năm tới đòi hỏi đảng bộ, chính quyền các cấp phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, thực sự gương mẫu, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, nhất là ở cơ sở. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền; không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và Nhà nước, xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm, kể cả khi cán bộ đó đã chuyển công tác hay đã nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, phải tích cực đổi mới mạnh mẽ cơ chế phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài và cơ chế đánh giá cán bộ tiến tới mở rộng việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, ngành, sở, phòng từ cấp huyện, thị xã, thành phố trở lên và tương đương. Tiếp tục thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu với cấp có thẩm quyền để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình. Bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định đó; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả công tác thu hút, trọng dụng nhân tài; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc lịch sử chính trị và chú trọng vấn đề chính trị hiện nay. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với các hoạt động phá hoại của thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Đặc biệt coi trọng việc lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu các cơ quan làm công tác tổ chức - cán bộ các cấp về công tác tổ chức - cán bộ.
Tổ chức đảng các cấp phải đặc biệt coi trọng lãnh đạo thực hiện nghiêm việc kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Muốn thực hiện tốt được những nhiệm vụ này đòi hỏi người cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và lãnh đạo cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng và các cơ quan làm công tác xây dựng Đảng phải có những cán bộ có tâm, có “tầm nhìn chiến lược” về đạo đức trong chỉnh thể công tác xây dựng Đảng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và XI nhận định xây dựng Đảng về đạo đức có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và việc đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Trong thời gian tới, các tổ chức cơ sở đảng phải tích cực giáo dục, rèn luyện đạo đức; hỗ trợ, bổ sung cho hệ thống pháp luật, cùng với những quy phạm về đạo đức trở thành một hệ thống các quy tắc xử sự của cán bộ, công chức, đảng viên trong tổ chức nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Và để phát huy sức mạnh của giáo dục, rèn luyện đạo đức cùng với phát huy sức mạnh của luật pháp, trong thời gian tới các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tích cực xây dựng Đảng về đạo đức trong công tác cán bộ, vì những giá trị, tiêu chí đạo đức cốt lõi của Đảng sẽ làm cho người cán bộ, đảng viên có điều kiện nhận thức sâu sắc và tu dưỡng đạo đức cách mạng, không chỉ là về phương diện “tài” mà còn củng cố cả “đức”, không chỉ “chuyên” mà còn cả “hồng”. Từ đó, người cán bộ, đảng viên mới có năng lực lãnh đạo và mới có được niềm tin của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì nhân dân không bao giờ tin tưởng, đặt niềm tin vào những người chỉ có tài mà không có đức, nhất là những người có những biểu hiện suy thoái, thậm chí đã băng hoại về đạo đức, lối sống, xa rời, đánh mất phẩm chất đạo đức cách mạng thì không thể lãnh đạo, vận động quần chúng.
Xây dựng hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ giỏi chuyên môn, vững vàng về lập trường chính trị, mà còn phải là người có đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mọi việc thành công hay thất bại, chủ yếu là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”. Đặc biệt, khi xây dựng đường lối chính trị, các quyết định chính trị, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải luôn gắn với chuẩn mực đạo đức của tổ chức và phẩm hạnh của con người có thẩm quyền ban hành quyết định. Mỗi tập thể, cá nhân đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước trong mỗi quyết sách, chủ trương và lẽ đương nhiên, trong trách nhiệm ấy có cả nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận đạo đức và đạo lý trước Đảng. Tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” trong xây dựng và thực hiện quyết sách chính trị... là những biểu hiện vô đạo đức của cán bộ, cần phải thường xuyên nhắc nhở, phê bình, cảnh báo, phát hiện và xử lý thật nghiêm minh theo kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nêu gương và noi gương chính là thực hành đạo đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…”. Như vậy, nêu gương trước hết là trách nhiệm, nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý. Cương vị càng cao, chức vụ càng cao thì trách nhiệm nêu gương của người cán bộ lại càng phải lớn, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức góp phần bảo đảm cho tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong tỉnh luôn giữ vững tính tiên tiến và cách mạng, khoa học và nhân văn, vững vàng, không dao động, ngả nghiêng, mất phương hướng. Đồng thời là cách bồi dưỡng tình cảm đạo đức cách mạng ở đảng viên, tạo cơ sở thực hành đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong từng tổ chức đảng và trong toàn Đảng bộ tỉnh, làm cho mỗi thành viên trong tổ chức yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thực tế cho thấy, những cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống thì thường không có lập trường tư tưởng vững vàng, dễ rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại, thực dụng… gây tổn hại tới thanh danh và uy tín của Đảng.
Tích cực xây dựng Đảng về đạo đức góp phần quan trọng trong hình thành tiêu chuẩn đạo đức, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Phải xác định xây dựng Đảng về đạo đức có vai trò đặc biệt trong củng cố vị thế của Đảng lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên của Đảng. Đây cũng là những thước đo để nhân dân kiểm tra, giám sát đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ, góp phần làm chuyển biến nhận thức trong toàn Đảng, trước hết trong cấp ủy, lãnh đạo các cấp về tính chất nghiêm trọng và nguy cơ của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Trong quá trình đổi mới, khẩn trương hoàn thiện phương thức lãnh đạo “bằng pháp luật và dựa vào đức để cầm quyền”. Do vậy, phải luôn gắn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên với xây dựng Đảng về đạo đức. Đảng bộ các cấp lãnh đạo chính quyền bằng các chủ trương, chính sách lớn; lãnh đạo chính quyền các cấp cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật. Chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Các tổ chức của Đảng và đảng viên phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật đi đôi với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Quy phạm pháp luật chính là những chuẩn mực đạo đức tối thiểu bắt buộc mọi đảng viên phải tuân thủ, gương mẫu thực hiện trước khi nói đến đạo đức cầm quyền - những chuẩn mực đạo đức tối đa.
Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng, làm tăng cường tính chính đáng, tính thuyết phục về vị thế, vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, nhất là của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Phải không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Tạo tiềm lực và sức mạnh tinh thần góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phòng ngừa chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa hưởng lạc… làm tổn hại đến uy tín, thanh danh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Khi có được uy tín, Đảng mới có được niềm tin của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đi theo Đảng, thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, hiện thực hóa mục tiêu tổng quát mà Đảng đã đề ra.
(còn nữa)