Xây nền tảng, kiến tạo không gian phát triển mới

80 công trình được khởi công, khánh thành trong dịp này có ý nghĩa chiến lược trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới

80 công trình được khởi công, khánh thành góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng"

Sáng 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ khởi công, khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn trong cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trực tuyến tới 79 điểm cầu tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và các đại biểu gắn biển công trình nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và các đại biểu gắn biển công trình nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Giao thông thông thương, kết nối

80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 445.000 tỉ đồng. Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa - xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

Trong 40 dự án giao thông được khởi công, khánh thành dịp này đã và đang tạo sự kết nối, thông thương ở khắp mọi vùng miền của đất nước.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự lễ khánh thành dự án thành phần đường cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang. Dự án có chiều dài toàn tuyến hơn 83 km, đi vào hoạt động sớm 8 tháng so với kế hoạch.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự lễ khánh thành 2 tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Thuận là ĐT719B và Hàm Kiệm - Tiến Thành. Hai công trình khi đưa vào khai thác sẽ kết nối trung tâm TP Phan Thiết với đường cao tốc Bắc - Nam và Quốc lộ 1.

Ở Đông Nam Bộ, rất nhiều dự án giao thông huyết mạch được khánh thành, khởi công. Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thông xe kỹ thuật dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; khởi công dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; thông xe đoạn đường từ Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51 và cầu Cửa Lấp 2 thuộc dự án đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận. Tỉnh Bình Phước khởi công 2 dự án thành phần 3 và 5 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Giao thông ĐBSCL khởi sắc

Dịp này, bộ mặt giao thông ở vùng ĐBSCL cũng hứa hẹn khởi sắc với nhiều sự kiện quan trọng. Đó là lễ thông xe kỹ thuật dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Gành Hào kết nối 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu do UBND tổ chức. Đặc biệt, tại Tiền Giang và Bến Tre, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND 2 tỉnh tổ chức lễ hợp long dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2. Dự lễ hợp long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cam kết bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm, phát huy tối đa hiệu quả của cầu Rạch Miễu 2.

Cầu Rạch Miễu 2 đã hợp long và dự kiến thông xe vào tháng 8-2025. Ảnh: MINH SƠN

Cầu Rạch Miễu 2 đã hợp long và dự kiến thông xe vào tháng 8-2025. Ảnh: MINH SƠN

Liên quan các dự án hàng không, ngoài dự án nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất khánh thành sáng 19-4, tỉnh Quảng Bình tổ chức khởi công dự án nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Đồng Hới. Tỉnh Cà Mau thì tổ chức bàn giao mặt bằng và động thổ dự án mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau.

Bên cạnh các dự án giao thông, nhiều dự án quan trọng liên quan y tế, giáo dục… cũng được khởi công, khánh thành trong dịp này, như: Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP HCM), dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, khánh thành Nhà làm việc và Nhà thư viện các trường thuộc ĐH Huế…

"3 có, 2 không" trong thực hiện dự án

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành dịp này đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Đối với các dự án đã khánh thành, đưa vào sử dụng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp.

Đối với các công trình, dự án khởi công, Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Các địa phương tập trung công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết nhanh thủ tục về mỏ vật liệu, đổ thải để chủ động triển khai dự án đúng kế hoạch, mục tiêu.

Thủ tướng lưu ý quá trình triển khai dự án phải thực hiện "3 có, 2 không". Trong đó, "3 có" là có lợi cho nhà nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp; "2 không" là không tham nhũng, không tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của nhân dân.

6 bài học quý

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ "6 bài học kinh nghiệm quý báu" trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng chiến lược nói riêng.

1. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp, ngành, địa phương.

2. Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp.

3. Tăng cường sự hiệp đồng, phối kết hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; giữa Nhà nước với nhân dân; giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

4. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho các địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, phê bình, xử lý, khen thưởng kịp thời, chính xác.

5. Tập trung tháo gỡ các rào cản về thể chế, cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin cho các chủ thể thực hiện.

6. Xây dựng, phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo không khí hăng say làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

TP HCM thông xe nhiều tuyến giao thông quan trọng

Sáng 19-4, TP HCM đồng loạt khánh thành và khởi công nhiều dự án giao thông trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng, giảm ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại quận Tân Bình, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa chính thức khánh thành, thông xe toàn tuyến. Dự án sẽ góp phần giải quyết ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Cùng thời điểm, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lễ thông xe kỹ thuật tuyến đường dài 21 km từ Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án là một trong các công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tại cửa ngõ phía Đông TP HCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn 1 và 2) trên địa bàn TP Thủ Đức.

Th.Hồng - Ng.Quý

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xay-nen-tang-kien-tao-khong-gian-phat-trien-moi-196250419210909244.htm