Xây nhà cho người hướng nội, kiến trúc sư gợi ý: Khu vực làm việc cần nhiều sinh khí, đủ ánh sáng
Không gian sống dành cho người hướng nội không cầu kì, không nhiều đồ nhưng lại tỉ mỉ và cẩn thận.
"Ôm ấp" không gian riêng
Người hướng nội thường được xem là kiểu người trầm lặng, kín đáo và cẩn thận. Người hướng nội còn chia ra nhiều nhóm như Social Introvert, Thinking Introvert, Anxious và Restrained Introvert. Tuy nhiên, điểm chung của phần lớn trong số họ là không muốn tìm kiếm sự chú ý từ người khác hoặc e ngại khi tham gia các hoạt động xã hội. Thay vào đó, họ muốn dành nhiều thời gian một mình để "sạc năng lượng".
Bởi vậy, ngôi nhà của người hướng nội giống như một nơi ấp ôm, che chở họ sau một ngày làm việc căng thẳng. Theo kiến trúc sư Jess Thái, CEO Kat Studio, không gian sống dành cho người hướng nội phải thỏa mãn những điều kiện như vậy. Nữ kiến trúc sư gợi ý màu sắc không gian nhà nên nhẹ nhàng, đường nét không sắc cạnh, không quá nhiều đường thẳng, bề mặt càng gần với tự nhiên càng tốt (không bóng bẩy, phẳng lì).
Chân dung kiến trúc sư Jess Thái.
Cũng là một người hướng nội, từ quan sát của mình, chị Jess tiết lộ những người hướng nội thường dùng không gian riêng của mình để tách rời khỏi những thứ gây nhiễu động tâm hồn họ. Vì thế, màu sắc sử dụng lý tưởng phải là "muted colours", không sặc sỡ để tránh gây xáo động tâm trí, đi ngược mục đích "sạc năng lượng" của họ.
Điểm nhấn nhá trong căn phòng cho người hướng nội nên là những chất liệu có cấu tạp tự nhiên như vân gỗ áp dụng lên khoảng 20-30% bề mặt trong nhà. Vải bọc ghế hay khăn phủ trang trí nên sử dụng những chất liệu thật mềm mại và êm ái, có tone màu cùng với không gian chung nhưng sắc độ có thể đậm hay nhạt hơn, hoặc có hoa văn nhẹ nhàng.
"Người hướng nội, đặc biệt ở nhóm Thinking Introvert, rất thích nghiên cứu, đọc sách... Chính vì thế, khu vực bàn học/làm việc cần có nhiều sinh khí, đủ không khí lưu thông qua lại, đủ ánh sáng nhẹ (không chói và không trực tiếp) đến khu vực họ ngồi. Mình đơn giản chỉ muốn tạo ra cho họ một môi trường lý tưởng để chìm đắm vào những việc họ cần làm mà không bị ngắt quãng bởi các tác động bên ngoài như ngộp, thiếu ánh sáng hoặc quá thừa ánh sáng", Jess Thái giải thích.
Ban công là một không gian rất tốt cho những người hướng nội, vì ở đó, họ được "ra ngoài" nhưng không phải ở giữa đám đông hay tương tác với nhiều người. Ban công nên điểm thêm một vài chậu cây phù hợp sở thích và một bộ ghế nằm ngả lưng, vừa để thư giãn, nghỉ ngơi vừa giúp tái tạo tinh thần. Đây cũng góc yêu thích nhất trong nhà của chị Jess.
Căn nhà của kiến trúc sư Jess Thái.
Tâm tư người hướng nội
Không gian sống chính là nơi thể hiện rõ nhất tính cách của gia chủ. Là nơi gắn bó với chủ nhân mỗi ngày, nhiều điểm trong căn phòng sẽ thể hiện đúng nhất thói quen, gu thẩm mỹ và sở thích của họ. Do vậy, công việc của một kiến trúc sư khi bắt đầu tìm hiểu và lên ý tưởng cho ngôi nhà của một người là, trước hết, cần lắng nghe thật sâu những tâm tư của họ.
Nữ CEO bày tỏ: "Để chủ nhân "bắt được radar" của người thiết kế, bản thân kiến trúc sư cũng cần khoanh vùng những giải pháp về không gian mà mình cho là đúng. Sau đó, hai bên từ từ sẽ thu hẹp lại thành một câu trả lời cuối cùng chính xác nhất.
Mình quan tâm đến câu hỏi họ đang tìm kiếm điều gì ở ngôi nhà này, những mục đích khác nhau sẽ đưa ra những đề bài rất khác nhau. Trong khi gặp gỡ trực tiếp, mình thường đặt một vài câu hỏi liên quan đến quan điểm sống của họ, từ đó mình có cái nhìn bao quát hơn chứ không chỉ hỏi xoáy vào mỗi căn nhà."
5 năm làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, đối với những kinh nghiệm bản thân đã trải qua, nữ CEO Kat Studio lại cảm thấy thoải mái khi làm việc với người hướng nội. Bởi, với "con mắt" quan sát của mình, họ gần như biết bản thân muốn gì và rất cụ thể trong việc mô tả nhu cầu của bản thân. "Vì vậy, làm việc với người hướng nội, mình thường có những đề bài rất cụ thể và dễ hiểu", chị Jess tâm sự.
Một sản phẩm của team kiến trúc sư Jess Thái.
Chẳng hạn, với thiết kế dành cho người hướng nội trên, Kat Studio sử dụng những mảng tường lớn trống "không trang trí gì". Khi chủ nhân bước vào nhà, não không phải điều tiết quá nhiều, như vậy sẽ dễ đạt trạng thái thư giãn hơn. Tuy nhiên, các kiến trúc sư vẫn tạo vân nhẹ bằng sơn hiệu ứng để chủ nhân không cảm thấy lo âu trước những mảng trống.
Màu xanh được lựa chọn cho một vài góc trong nhà hầu hết là một màu xanh nhạt. Theo chị Jess, nhiều nghiên cứu chỉ ra khi con người chúng ra nhìn thấy màu xanh lá cây, tâm trí cũng tự động cảm thấy thoải mái hơn. Màu gỗ sồi tự nhiên mà nhóm kiến trúc sư chọn đã được xử lí làm trầm hơn so với màu thực và giữ nguyên bản các đường vân để căn nhà ấm lên, có kết nối hơn với đồ vật.
Cách sắp xếp nội thất khá tối giản và cách xa nhau cũng là một yếu tố để người sử dụng được thoải mái, tránh cảm giác "nhiều đồ". Toàn bộ ánh sáng trong nhà đều được chia thành cụm để tạo nên sự đối lập sáng tối, khiến căn nhà không trở nên bừng sáng bất ngờ khi bật đèn. Những yếu tố trên tạo nên một không gian lý tưởng để bước vào nhà là cảm thấy ngay sự bình yên, phù hợp với nhóm người hướng nội.