Xây nhà ở xã hội
Tiến độ xây dựng nhà ở xã hội tại Hải Dương còn chậm mặc dù đã có quyết tâm, đề án.
Vừa qua, Sở Xây dựng Hải Dương yêu cầu Liên danh Công ty CP: Đầu tư Newland và Đầu tư xây dựng NHS khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư và tổ chức khởi công công trình nhà ở xã hội tại dự án khu dân cư, đô thị Tân Phú Hưng mở rộng (TP Hải Dương) trong quý I/2024. Động thái này thể hiện quyết tâm của các cấp, ngành trong xây nhà cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, hưởng ứng mục tiêu cả nước xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của cơ quan chức năng, tiến độ triển khai xây nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn chậm.
Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh giai đoạn năm 2023-2030 đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng tổng diện tích sàn khoảng 1.171.473 m2, với 15.965 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2023-2025 xây 390.669 m2 sàn, tương đương 5.860 căn hộ dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân lao động tại TP Hải Dương, Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động tại 9 dự án, với 2.645 căn hộ. Có 7 dự án xây nhà ở xã hội cho khu vực đô thị với 2.825 căn hộ và xây khu chung cư Tạ Quang Bửu ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) với 390 căn hộ.
Hầu hết các dự án đang trong quá trình triển khai, có dự án mới khởi công, có dự án thực hiện được một phần của giai đoạn trước.
Tại TP Hải Dương trong số 13 vị trí xây nhà ở xã hội, mới có 4 dự án giao chủ đầu tư (9 dự án còn lại chưa lựa chọn được nhà thầu). Đáng chú ý, dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị mới phía nam TP Hải Dương (phân khu 2) mới khởi công chung cư, ép cọc. Dự án khu dân cư Đại An được điều chỉnh năm 2015 gồm 8 căn nhà 5 tầng. Công ty CP Đại An (chủ đầu tư) mới khởi công 1 trong 8 nhà chung cư, đến tháng 3/2007 hoàn thành nhưng không thu hút được người thuê. Theo chủ đầu tư, việc công nhân không vào thuê do vị trí nằm sâu bên trong, không thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt...
Nguyên nhân chậm triển khai xây nhà ở xã hội thời gian qua chủ yếu do nhiều nhà đầu tư chưa thật sự mặn mà với việc này. Lý do của sự "không mặn mà" dù tỉnh đã triển khai cơ chế, chính sách ưu đãi là vì đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nguồn vốn đầu tư lớn, thời hạn thu hồi vốn dài song lợi nhuận lại thấp. Một lý do nữa là một số địa phương, đơn vị chưa kiên quyết phối hợp chỉ đạo, triển khai xây dựng. Giá thành nhà ở hiện nay và lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà còn cao so với khả năng chi trả của người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân lao động…
Theo số liệu khảo sát năm 2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 90.000 công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội. Dự báo thời gian tới, Hải Dương tiếp tục thu hút lực lượng lớn lao động về làm việc trong các khu, cụm công nghiệp được thành lập mới.
Những ngày mưa rét cuối năm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đầm ấm trong mỗi gia đình càng thấy nhà ở xã hội thiết thân với người thu nhập thấp. Rất nhiều người lao động phải thuê nhà ở trọ trong các khu dân cư gần nơi làm việc, điều kiện sống còn chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhà ở khó khăn nên đời sống tinh thần của công nhân cũng còn nghèo nàn.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã đăng ký hoàn thành kế hoạch nhà ở xã hội trong năm 2024. Bắc Ninh ngay cạnh Hải Dương đang dẫn đầu cả nước khi đăng ký xây dựng xong 6.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay tại 5 dự án.
Xây dựng nhà ở xã hội không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là đạo đức của các nhà quản lý, nhà đầu tư vì cộng đồng, xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, công nhân lao động có thể mua được, ở được, để “an cư, lạc nghiệp”.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xay-nha-o-xa-hoi-370809.html