Xây nút giao thông An Phú - TP Thủ Đức với gần 4.000 tỉ đồng
Các đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức với tổng mức đầu tư là 3.926 tỉ đồng.
Sáng 22-4, tại kỳ họp thứ 25 HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức và dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Theo đó, HĐND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP quản lý dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư là 3.926 tỉ đồng, với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là 1.800 tỉ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách TP.
Theo phương án thiết kế, nút giao An Phú có 3 tầng, gồm: Hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), hầm chui kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông.
Trên cao sẽ xây hai cầu vượt, trong đó nhánh 1 kết nối đường Mai Chí Thọ và Lương Định Của với đường cao tốc; nhánh 2 kết nối cao tốc với đường Mai Chí Thọ.
Công trình khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc cho khu vực đầu cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là nút giao nhiều tuyến đường quan trọng với mật độ lưu thông cao, đồng thời nâng cao năng lực lưu thông khi sân bay Long Thành được xây dựng.
Nút giao An Phú cũng phát huy hiệu quả đồng bộ với việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đây là một trong những động thái để từng bước hoàn chỉnh và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được phê duyệt. Nút giao thông này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực TP Thủ Đức nói riêng và của TP.HCM nói chung.
Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian này, TP.HCM sẽ thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư (duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư, chi trả cho các hộ dân, bàn giao mặt bằng…).
Bên cạnh nút giao này, các đại biểu HĐND TP.HCM cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư là 8.200 tỉ đồng gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP, được thực hiện từ năm 2021 - 2025.
Dự án này có mục tiêu là đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông; mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tương lai.
Nghị quyết khẳng định, dự án mang tính chất phục vụ xã hội, khi dự án hoàn thành sẽ mang lại một số hiệu quả kinh tế gián tiếp. Cụ thể, do được ngăn lũ, chống ngập, giải quyết ô nhiễm sẽ làm cho giá trị đất, giá trị nhà trong khu vực dự án tăng lên, gia tăng sản lượng cây trồng.
Ngoài ra còn gia tăng GDP khi vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách trên sông thuận lợi và kết hợp phát triển du lịch. Tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan…
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài toàn tuyến khoảng 32,714 km. Trong đó, sẽ xây dựng 12 bến thường dọc theo tuyến kênh, xây dựng đường giao thông dọc hai bờ kênh, làm vỉa hè…